Tại sao lưỡi lại ngứa rát khi ăn thơm?

24/01/2023 09:16 GMT+7

Thơm không chỉ ngon mà còn rất bổ dưỡng. Một trái thơm chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin B, C, E, K, canxi, sắt, magiê, phốt pho và nhiều dưỡng chất khác. Nhưng thỉnh thoảng khi ăn thơm, chúng ta lại có cảm giác ngứa rát ở lưỡi.

Các nghiên cứu cho thấy một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do một loại enzyme có trong thơm gọi là bromelain, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Nướng hay nhúng thơm vào nước sôi sẽ giúp giảm cảm giác ngứa rát miệng khi ăn

SHUTTERSTOCK

Enzyme bromelain có khả năng phân hủy chất keratin có trong lớp niêm mạc bảo vệ miệng chúng ta. Trên thực tế, keratin, hay còn gọi là chất sừng, cũng là một protein có cấu trúc dạng sợi.

“Khoang miệng của chúng ta không đủ sự bảo vệ trước bromelain trong thơm, do đó loại enzyme phân hủy protein này sẽ phản ứng với lớp niêm mạc miệng”, tiến sĩ Paul Takhistov, Phó giáo sư công nghệ thực phẩm tại Đại học Rutgers (Mỹ), giải thích.

Ngoài ra, độ pH của thơm dao động trong khoảng 3,2 đến 3,5. Đây là mức có thuộc tính a xít. Do đó, thuộc tính a xít kết hợp với bromelain sẽ cùng lúc gây kích ứng ngứa rát lưỡi.

Một vấn đề đặt ra là liệu ăn thơm có gây hại cho lớp niêm mạc của miệng hay không. Các chuyên gia cho biết nếu ăn thơm ở mức độ ít hay vừa thì hoàn toàn an toàn với sức khỏe. Tuy nhiên, với những người thường xuyên tiếp xúc với thơm bằng da trần, chẳng hạn như người cắt gọt hay chế biến thơm mà không mang bao tay, thì có thể bị tổn thương da.

Các biểu hiện thường gặp khi tiếp xúc quá nhiều với enzyme bromelain trong thơm là da nổi mẩn đỏ. Nếu các ngón tay tiếp xúc thơm quá nhiều thì có thể gây mất vân tay.

Để tránh cảm giác ngứa rát trong miệng khi ăn thơm, chúng ta có thể nướng hoặc nhúng nó vào nước sôi sẽ giúp loại bỏ bromelain.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.