Chỉ trong 5 tháng vừa qua, thị trường âm nhạc xứ kim chi chứng kiến những con số gây bất ngờ. Tháng 5 vừa rồi, thị trường K-pop tiêu thụ 9,96 triệu album ca nhạc, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước. 2 nhóm nhạc nam là Seventeen và Tomorrow X Together (TXT) bán chạy bậc nhất với lần lượt là 2,24 triệu album và 1,63 triệu album.
Nhóm nhạc Seventeen bán được 2,24 triệu album Face the Sun, sản phẩm âm nhạc mới nhất của nhóm |
PLEDIS ENTERTAINMENT |
Chỉ 2 nhóm nhạc này, với tổng số album bán ra, đã chiếm đến 40% tổng số album trên toàn thị trường âm nhạc Hàn Quốc trong tháng vừa rồi. Xếp sau họ là nam ca sĩ Lim Young Woong với "thành tích" 1,14 triệu album bán ra, nhóm nhạc nam NCT Dream với 670.000 album và nhóm nhạc nữ Le Sserafim là 410.000 album.
Nguồn tin của Korea Times cho biết từ tháng 1 đến tháng 5, thị trường âm nhạc Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 28,65 triệu album. Nếu xét theo công ty chủ quản thì HYBE, nơi quản lý các nhóm nhạc BTS, Seventeen, TXT và Le Sserafim, cũng có những con số doanh thu bất ngờ tính trong tháng 5 và thời điểm hiện tại. Tổng số album của Seventeen, TXT và Le Sserafim bán ra trong tháng 5 là 4,77 triệu, chiếm 48% tổng doanh thu toàn thị trường. Ở tháng 6 này, khi BTS trình làng album Proof vào ngày 10.6, nhóm bán được 2,16 triệu bản chỉ trong một ngày.
Nhóm nhạc BTS hiện đang tạo kỷ lục trong tháng 6 với mốc 2 triệu album bán ra chỉ trong 1 ngày |
BIG HIT ENTERTAINMENT |
Những con số "biết nói" ở trên phản ánh văn hóa thần tượng mang tính tích cực trong thị trường âm nhạc Hàn Quốc. Hay nói rõ hơn, thông qua việc tiêu thụ một sản phẩm âm nhạc, cả người hâm mộ (fan) và thần tượng (idol) của họ đều có lợi.
Trong thời đại mà nhà nhà nghe nhạc trực tuyến thì việc có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người cất công lặn lội đến tận nơi để mua về một album của nhóm nhạc mình yêu thích, sờ tận tay sản phẩm, thấy tận mặt thần tượng là chuyện bình thường. Theo Korea Times, việc người hâm mộ có thể mua đến hàng trăm bản của một album là cách họ ủng hộ idol của mình. Với các ca sĩ, đây là chiếc "cần câu cơm" quý báu vì điều đó giúp họ có thể duy trì tên tuổi của mình trên thị trường. Ngược lại, đến tận nơi để mua album, người hâm mộ có cái lợi đó là ngoài việc chiêm ngưỡng thần tượng, họ có thể nhận được vé dự sự kiện, chụp ảnh với ca sĩ và rất nhiều thứ hay ho khác.
Nhóm nhạc BTS biểu diễn show Permission to Dance on Stage - L.A ở Mỹ ngày 27.11.2021 |
KBIZOOM |
Không chỉ là câu chuyện của người hâm mộ Hàn Quốc
Thành công trong nước của các nhóm nhạc K-pop đưa tên tuổi của họ đi xa hơn, nhất là ngoài thị trường châu Á. Giai đoạn dịch năm 2021, thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, biết nhiều hơn về K-pop qua hình thức trực tuyến như nền tảng YouTube hay Twitter. Lấy nhóm BTS làm ví dụ, trong suốt 2 năm dịch, các thành viên của nhóm không thể tổ chức biểu diễn trực tiếp để phục vụ khán giả, đó là lý do vì sao hình thức biểu diễn trực tuyến ra đời. Ngày 27.11.2021, 7 thành viên của nhóm đã có mặt ở Mỹ để biểu diễn buổi hòa nhạc trực tuyến Permission to Dance on Stage - L.A sau 2 năm không thể tổ chức sự kiện trực tiếp, kể từ buổi diễn của họ ở Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 10.2019. Theo Kbizoom, buổi hòa nhạc đã thu hút 50.000 fan tham gia.
Nhóm nhạc BTS có buổi nói chuyện tại Nhà Trắng ở Mỹ ngày 31.5 |
BLOOMBERG |
Người hâm mộ BTS chen lấn chụp ảnh nhóm nhạc qua hàng rào tại Nhà Trắng trong ngày 31.5 |
AFP |
Hậu dịch Covid-19, dường như người hâm mộ tiêu thụ các album ca nhạc nhanh hơn khi tình hình đã dần ổn định trở lại. Bên cạnh việc người Hàn tiêu thụ lượng lớn album ca nhạc, thì ở nước ngoài, tình hình cũng "khởi sắc" không kém. Cũng nguồn tin của Korea Times cho biết, có thể có đến 2,85 triệu người nước ngoài từ khắp các quốc gia tham dự các buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp của các nhóm nhạc K-pop trong năm nay.
Bình luận (0)