Tại sao ngày càng nhiều nhân viên trở thành 'zombie công sở'?

23/10/2024 11:03 GMT+7

Hiện nay, ngày càng nhiều người rơi vào trạng thái "zombie" tại công sở. Nghĩa là họ không nỗ lực học hỏi, làm việc cầm chừng, kém hiệu quả, nhưng cũng không rời bỏ công việc.

Từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, đúng 9 giờ sáng, Nguyễn Thị Tuyết Trinh (29 tuổi), ngụ ở đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) lặng lẽ bước vào công sở. Cô gái cho biết hôm nào cũng mở máy tính trong sự mệt mỏi. Sau 4 năm làm việc tại công ty, Trinh vẫn cảm thấy thời gian như đứng yên, cứ lặp đi lặp lại những công việc và quy trình cũ mà không có bất kỳ sự thay đổi hay cải tiến nào.

Cách đây vài tháng, "sếp lớn" đề bạt một người đồng nghiệp của cô gái lên làm trưởng nhóm. Từ đồng nghiệp thân thiết, người này bắt đầu thay đổi hoàn toàn, thường xuyên "ra vẻ" hơn, liên tục ra nhiều quy định mới oái ăm… Thay vì phản biện, Trinh chọn cách im lặng để giữ mức lương ổn định, bất chấp việc thường xuyên bị... sếp mới phê bình.

Tại sao ngày càng nhiều nhân viên trở thành 'zombie công sở'?- Ảnh 1.

Nhiều nhân viên cảm thấy mệt mỏi khi bước vào công sở

ẢNH: P.V

"Mình không còn hứng thú với công việc này, nhưng cảm thấy quá... lớn tuổi để nghỉ việc. Bạn bè đều khuyên mình nên nhịn vì trước đó có vài người từng nghỉ việc nhưng vài tháng rồi vẫn chưa tìm được chỗ mới tốt hơn. Mình cảm thấy thiếu động lực để làm việc", Trinh kể.

Lê Minh Tuấn (34 tuổi), nhân viên IT làm việc cho một công ty trên đường Điện Biên Phủ, Q.1 (TP.HCM), cho biết công việc trên công ty của anh không quá nhiều. Vì thế, anh thường dành nhiều thời gian rảnh rỗi ở công ty để xem phim, chơi game, đặt hàng online, tham khảo xem trưa nay ăn gì… Thi thoảng, máy tính của ai đó bị trục trặc, Tuấn mới cần đi kiểm tra.

"Với mức lương ít ỏi như thế, mình nghĩ không nên quá cố gắng, đầu tư làm gì. Thậm chí, cuối năm, mình không biết phải viết gì trong báo cáo. Mình cảm thấy đi làm như một chuyện qua ngày, hết tháng. Cuộc sống thật tẻ nhạt", Tuấn chia sẻ.

Anh cũng không biết sẽ cầm chừng được tới đâu vì công ty này không phải là nơi mà Tuấn yêu thích. Tuy nhiên, các lý do như đã già, thời buổi kinh tế khó khăn khó xin được việc, chưa có bằng tiếng Anh… khiến anh chùn bước mỗi khi muốn viết đơn xin nghỉ việc.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người lao động mà còn tác động tiêu cực đến môi trường làm việc và hiệu quả của tổ chức. Dần dần, năng suất lao động giảm sút, không khí làm việc trở nên trì trệ, những ý tưởng sáng tạo cũng biến mất… Nguyễn Hoàng Nhật Tân (27 tuổi), làm việc ở đường Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức cảm thấy ngán ngẩm khi làm việc chung với… sếp.

"Sếp hơn mình vài tuổi nhưng trẻ con vô cùng. Mỗi ngày, anh ấy vào công ty toàn nghe nhạc, chơi game, nằm dài ra ghế sofa. Việc thì không lo làm, tới deadline mới bắt đầu chạy khi bị quản lý cấp cao hối. Những ai làm việc với "sếp" đều cảm thấy ám ảnh vì phải nhắc việc như nhắc con", Tân chia sẻ.

Tân cho biết trước khi anh đến công ty này đã có nhiều nhân viên xin nghỉ làm vì không hợp với... sếp. Lúc rời đi, họ có phản ánh nhưng không hiểu sao công ty không có động thái gì, "sếp" vẫn chẳng thay đổi. Hôm nào "sếp" đi làm cũng trong trạng thái vật vờ, mệt… rồi đẩy hết việc cho Tân làm. Nhiều người nói Tân nên nhảy việc nhưng chàng trai chưa dám vì sợ cảnh thất nghiệp.

Làm sao để đối phó với "zombie công sở|?

Theo chuyên gia Bùi Đoàn Chung, người sáng lập Nghề nhân sự Việt Nam, tại các doanh nghiệp hiện nay hiện tượng "zombie công sở" không thiếu. Những người này thường có đặc điểm như làm việc cầm chừng, nhưng lại thường tỏ ra bận rộn hoặc "biến hình" vào những lúc công ty thật sự cần họ. Họ không có sự kết nối hay gắn kết với đồng nghiệp cũng như từ chối tham gia vào các hoạt động học tập và phát triển bản thân hay những yêu cầu cho công việc.

461779037_8863380740347255_2987424746918056962_n.jpg

Chuyên gia Bùi Đoàn Chung có 18 năm kinh nghiệm trong tư vấn nhân sự, quản lý điều hành, đào tạo và phát triển, tư vấn nghề nghiệp... cho rằng hiện nay hiện tượng "zombie công sở" không thiếu

ẢNH: NVCC

Chuyên gia Bùi Đoàn Chung, chia sẻ hiện tượng "zombie công sở" có nhiều nguyên nhân. Trước hết, nhiều người lao động quá tự tin vào vị trí "công thần" và đã ký hợp đồng dài hạn, dẫn đến làm việc trong tình trạng thiếu động lực, stress nhưng không sợ bị sa thải vì có luật Lao động bảo vệ họ. Khảo sát của Deloitte 2024 cũng cho thấy gen Z coi trọng mục đích cá nhân, dẫn đến việc từ chối nhiệm vụ hoặc nhà tuyển dụng nếu không phù hợp với niềm tin của họ.

Theo ông Chung, hậu đại dịch, sức khỏe tinh thần và áp lực tâm lý cũng khiến nhiều người mất hứng thú trong công việc, dẫn đến trạng thái thờ ơ hoặc nỗ lực "chạy trốn" khỏi hiện thực mà không thành công.

Về phía doanh nghiệp, thiếu gắn kết, đánh giá chưa đúng năng lực và không minh bạch trong thăng tiến làm nhân viên bất mãn. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần cải cách hệ thống quản lý, nâng cao hiệu quả làm việc, đồng thời xây dựng văn hóa sáng tạo, học tập suốt đời và chú trọng phát triển nhân tài.

Đối với mỗi cá nhân, cần xác định rõ ràng mục tiêu công việc và xây dựng các mối quan hệ tích cực. Người trẻ có thể tìm đến những chuyên gia hoặc đồng nghiệp tin cậy để nhận được lời khuyên và tìm giải pháp vượt qua trạng thái tiêu cực này.

"Theo tôi, vai trò của người làm nhân sự là vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng "zombie công sở". Bằng cách tái cấu trúc tổ chức, hiện đại hóa và chuyên môn hóa các vai trò, doanh nghiệp có thể cải thiện hiệu quả công việc và giải quyết vấn đề từ gốc rễ", chuyên gia Bùi Đoàn Chung nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.