Tại sao người đẹp Việt 'trắng tay' ở 5 cuộc thi lớn nhất hành tinh?

24/07/2018 10:57 GMT+7

Việc các đại diện Việt Nam chưa từng lọt Top 3 ở 5 cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh (Grand Slam) đã khiến nhiều người hâm mộ quan ngại về chất lượng thật sự của việc tuyển chọn thí sinh.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, người đầu tiên mang về Việt Nam bản quyền cử thí sinh tham gia Miss World từ năm 2002, đã dành cho Thanh Niên cuộc trao đổi ngắn xung quanh vấn đề này.
* Bà có thể cho biết bằng cách nào Elite Vietnam đã lấy được bản quyền Hoa hậu Thế giới và sau đó là những bản quyền hoa hậu lớn khác như Hoa hậu Hoàn vũ và các cuộc thi khác?
- Bà Nguyễn Thị Thúy Nga: Năm 2002, khi ra đời Elite Model Management, chúng tôi rất nóng lòng muốn đưa đại diện Việt Nam đến với các cuộc thi hoa hậu và người mẫu lớn của thế giới. Chúng tôi đã mất rất nhiều công sức, thời gian để tiếp cận ban tổ chức (BTC) Miss World, thuyết phục và chứng minh năng lực của mình. Sau một năm BTC đã đồng ý cho Elite Vietnam được đại diện cho họ tại Việt Nam để lựa chọn thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Sau đó chúng tôi lại tiếp tục tiếp cận BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, trao đổi thông tin và thuyết phục họ cho phép mua bản quyền đề cử thí sinh tham dự. Tiếp đó năm 2007, Elite đã đàm phán và đưa thành công cuộc thi Hoa hậu Trái đất về tổ chức tại Nha Trang. Đây cũng là cuộc thi quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, vì thế đã gây được tiếng vang rất lớn, thu hút được sự chú ý của khán giả và truyền thông.
Bà Thúy Nga bên Hoa hậu Thế giới Megan Young  Ảnh: NVCC
* Kể từ mốc năm 2002, đến giờ sau 16 năm bà đánh giá thế nào về chất lượng thí sinh Việt Nam?
- Chắc chắn rằng sau 16 năm chất lượng thí sinh và công tác chuẩn bị cho thí sinh chúng ta đã làm tốt và chuyên nghiệp hơn trước kia rất nhiều, tuy nhiên đó là so chúng ta của ngày xưa và ngày nay, còn nếu so chúng ta với quốc tế thì chúng ta còn cách họ rất xa. Chính vì vậy thứ hạng của Việt Nam tại các cuộc thi lớn như Miss World, Miss Universe có tiến bộ, nhưng vẫn làng nhàng ở mức khiêm tốn mà không bật lên được. Miss World có Lan Khuê với thành tích tốt nhất là Top 11, Miss Universe có Thùy Lâm vào Top 15, Miss Grand International có Huyền My vào Top 10 và Nguyễn Thị Loan Top 20, Miss International có Thúy Vân Á hậu 3.
Chúng ta nên bỏ thói quen đổ lỗi cho ban tổ chức, cho nước đăng cai "đì" thí sinh Việt Nam, rồi đổ lỗi cho sash (băng đeo tên nước) của chúng ta không mạnh, rồi thua trong thế thắng... Chúng ta đâu có làm gì để ban tổ chức các cuộc thi ghét Việt Nam đến thế. Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải làm là nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi, rằng chất lượng thí sinh của chúng ta còn rất nhiều vấn đề.
Chúng ta cần phải thay đổi tư duy và thật lòng muốn học hỏi, nhìn được cái hay của bạn, cái dở của mình thì mới có thể hi vọng vào thứ hạng cao.
* Vậy lý do gì để thí sinh Việt Nam vẫn dừng chân ở vị trí khiêm tốn và hướng giải quyết là gì?
Thành phần ban giám khảo có những người không hiểu rõ chuyên môn, thậm chí không biết tiêu chí các cuộc thi quốc tế cần gì để từ đó bám sát tiêu chí chấm điểm thí sinh. Kịch bản, cách dàn dựng sai với tinh thần hoa hậu, từ đó biến cuộc thi tôn vinh thí sinh trở thành đại nhạc hội, thí sinh trở thành nhân vật phụ... Nếu chúng ta vẫn không thay đổi, không học hỏi quốc tế thì mãi mãi vị trí của Việt Nam sẽ vẫn lình xình như hiện nay
Thúy Nga
- Như tôi đã nhiều lần trao đổi, chúng ta giống như đang xây nhà từ nóc. Ở các nước việc đầu tiên họ làm là thành lập các trung tâm đào tạo hoa hậu, cho người đi tìm kiếm những thí sinh tiềm năng, đào tạo thí sinh với những kỹ năng biểu diễn, thuyết trình, biểu cảm... để tham dự các cuộc thi trong nước. Tìm kiếm ban giám khảo có hiểu biết về lĩnh vực này. Có ê-kíp dựng kịch bản và tổ chức chuyên nghiệp và nhiều việc khác xung quanh.
Ít nhất chúng ta phải làm tốt được những việc này thì chúng ta mới có thể có được những cuộc thi uy tín thu hút các thí sinh có chất lượng, thu hút khán giả và các nhãn hàng tham gia tài trợ. Nếu theo dõi các cuộc thi quốc tế chúng ta có thể thấy họ không có phần đào tạo thí sinh những kỹ năng như catwalk, biểu diễn, thuyết trình... Những kỹ năng đó các thí sinh phải tự rèn luyện trước khi đến với cuộc thi trong nước. Nhiệm vụ của ban tổ chức là dựng kịch bản cho các phần biểu diễn, tranh tài, lựa chọn thành phần ban giám khảo có kinh nghiệm, hiểu biết chuyên môn, công tâm và dựng đêm chung kết theo đúng tinh thần của cuộc thi. Trong khi đó các cuộc thi trong nước của chúng ta vẫn mất rất nhiều thời gian để dạy thí sinh những kỹ năng căn bản này.
Thành phần ban giám khảo có những người không hiểu rõ chuyên môn, thậm chí không biết tiêu chí các cuộc thi quốc tế cần gì để từ đó bám sát tiêu chí chấm điểm thí sinh. Kịch bản, cách dàn dựng sai với tinh thần hoa hậu, từ đó biến cuộc thi tôn vinh thí sinh trở thành đại nhạc hội, thí sinh trở thành nhân vật phụ... Nếu chúng ta vẫn không thay đổi, không học hỏi quốc tế thì mãi mãi vị trí của Việt Nam sẽ vẫn lình xình như hiện nay. Và tôi khẳng định rằng nếu chất lượng cuộc thi không thay đổi, thứ hạng thí sinh thi quốc tế không tăng thì khán giả và các nhà tài trợ sẽ sớm quay lưng với lĩnh vực này.
* Theo bà yếu tố gì là quan trọng nhất trong việc lựa chọn thí sinh vào Top 3, đặc biệt là thí sinh thắng giải?
- Ban tổ chức và ban giám khảo quốc tế luôn lựa chọn thí sinh thắng giải là những người hội tụ đủ những yếu tố theo tiêu chí của cuộc thi và quan trọng nhất thí sinh đó phải có tố chất. Sẽ là thảm họa nếu ban tổ chức chọn thí sinh không có tố chất, nhạt nhẽo cho ngôi vị cao nhất. Dù có đẩy cách mấy thì với thí sinh không có tố chất cũng sẽ mãi lình xình, không thể bứt lên thành sao hạng A được. Tố chất là điều cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực giải trí, nó giống như khi muốn nấu ăn ngon thì điều đầu tiên chúng ta cần là phải có thực phẩm chất lượng, sau đó đầu bếp mới chế biến được món ngon. Tố chất của thí sinh chính là chất lượng của thực phẩm cho món ăn, muốn trở thành hiện tượng đầu tiên phải có tố chất, sau đó là nhiệm vụ của ê-kíp xung quanh để làm họ trở thành sao.
* Bà có ngại những phát ngôn như thế này sẽ gây đụng chạm?
- Elite đối với tôi như là đam mê và là sự mong muốn được đóng góp thành tích cho Việt Nam. Tôi là người khá thẳng thắn, khi thấy điều gì không đúng sẽ góp ý, đặc biệt là với những người tôi coi là bạn. Nhiều người không hiểu và nói rằng tôi kiêu ngạo. Nhưng tôi nghĩ sự ve vuốt, làm hài lòng nhau bằng những lời khen xã giao mới chính là nguy hiểm. Nhiều khi tôi rất ngạc nhiên với văn hóa tiếp thu đóng góp của một số người Việt. Hình như họ chỉ thích nghe lời khen tụng, dù nhiều khi chỉ là sự xã giao. Bất kể sự góp ý nào, dù là đúng và tích cực đến mấy đều bị quy thành “ đố kỵ, ganh ghét” thậm chí còn bị dọa “kiện ra tòa vì nói xấu".
Điều đó làm tôi ngạc nhiên vì thực ra góp ý, phản biện mới làm người ta nhìn được cái đúng sai, mới giúp người ta tiến bộ được. Có lần khi làm việc với ban tổ chức một cuộc thi quốc tế để mời họ về Việt Nam, tôi cũng đưa ra ý kiến rất thẳng thắn về kịch bản chương trình. Ban tổ chức đã rất cầu thị lắng nghe chứ không ngay lập tức phản bác, dù họ đã xây dựng được uy tín cuộc thi tầm quốc tế. Sau mấy hôm họ mới đưa ra những ý kiến phản biện với ý kiến của tôi, có phân tích tại sao có, tại sao không. Và quan trọng nhất họ đã tiếp thu một phần ý kiến của tôi chứ không phải vỗ ngực cho rằng họ giỏi hơn. Điều đó làm tôi thật sự cảm kích và học hỏi được rất nhiều từ thái độ làm việc của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.