Có rất nhiều lý do để người trẻ chọn những con vật mà khi nhắc đến ai cũng phải rùng mình khiếp sợ làm thú nuôi. Đó là vì độc lạ, ít tốn công chăm sóc… nhưng lý do lớn nhất có lẽ là lòng yêu thương động vật.
Tình yêu động vật khác với tình yêu thú cưng!
Nhiều năm chăm sóc các loài bò sát, chim…để làm thú cưng, Nguyễn Đoàn Vĩnh Xuyên, sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết tình yêu động vật xuất phát từ những bài học của ba, khi từ nhỏ ba của Xuyên đã mua cho chàng trai này những con vật như dế, ốc mượn hồn…để chăm sóc.”Mình quan niệm rằng tình yêu động vật khác với tình yêu dành cho thú cưng, vì những người thích thú cưng họ chỉ nuôi và chăm sóc những con có vẻ ngoài dễ thương như chó, mèo…còn người yêu động vật họ có thể nuôi bất kỳ con gì kể cả khi đó là những loài vật nhìn rất đáng sợ như côn trùng, bò sát…”.
|
Theo Vĩnh Xuyên việc ngắm nhìn những con "thú cưng” giúp chàng trai có đời sống tinh thần thoải mái, cảm nhận được nét đẹp đa dạng của cuộc sống dù vẻ ngoài của các con vật này trông gai góc, đáng sợ với nhiều người. ”Sự lạnh lùng của chúng đầy cuốn hút cùng với việc quan sát quá trình trưởng thành, săn mồi..tập tính của chúng giúp mình bổ sung được nhiều kiến thức về sinh học” Vĩnh Xuyên chia sẻ.
Bị cuốn hút với vẻ đẹp độc lạ
Cùng sở thích nuôi những loài thú cưng “đáng sợ” như Vĩnh Xuyên, Phạm Quang Hiếu, 22 tuổi, ngụ tại đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM, sở hữu nhiều loài như trăn, rắn, nhện, bọ cạp…Chia sẻ với chúng tôi, Hiếu cho biết ngoài việc dễ chăm sóc còn cảm thấy bị cuốn hút với vẻ đẹp độc lạ của những loài này. “Thức ăn của tụi nó đa phần là côn trùng hoặc các loài động vật nhỏ như chuột, nhái.. nên sẽ rất dễ kiếm. Đa phần những con vật này chỉ cần cho ăn rất ít, thường là một lần một tuần nên cũng không mất quá nhiều thời gian chăm sóc”, Hiếu chia sẻ.
|
Đam mê nuôi động vật từ bé và có 12 năm kinh nghiệm nuôi những loài thú cưng “đáng sợ” này, Nguyễn Lê Hoàng Hiếu, 28 tuổi, ngụ tại đường Trần Nhật Duật Q 1, TP.HCM đang sở hữu bộ sưu tập 10 con rắn dòng California King Snake, 3 con bò cạp châu Phi, 1 con rùa cá sấu Bắc Mỹ,…Ngay từ bé Hoàng Hiếu đã có ước mơ xây dựng một môi trường sống tự nhiên thu nhỏ trong nhà. "Trong khoảng thời gian đi du học ở nước Úc, được tiếp xúc với cách mà con người nơi đây đối xử với các loài động vật rất văn minh, mình học được cách hiểu thiên nhiên từ đó thêm yêu quý các loài động vật”, Hoàng Hiếu chia sẻ.
|
Hoàng Hiếu chia sẻ thêm trước khi nuôi những loài động vật độc lạ làm thú cưng, cần có những kiến thức nhất định về tập tính, nọc độc... cũng như cần tìm hiểu và tuân thủ đúng theo công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Không nên thả những loài động vật ngoại lai ra môi trường, nên hiểu và phân biệt rạch ròi giữa động vật nuôi với động vật hoang dã.
|
Những điều cần lưu ý khi nuôi các loài côn trùng, bò sát
Thầy Hồ Văn Nhật Trường, giáo viên bộ môn sinh học, Trường Trung học thực hành Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cho biết cần tìm hiểu kỹ trước khi nuôi các loài côn trùng hay bò sát vì có loài sẽ mang nọc độc gây nguy hiểm, còn nếu không có thì vẫn phải rất cẩn thận vì nhóm này không thuần hóa được như chó, mèo..nên khả năng gây thương tích rất cao.
Theo thầy Trường, việc nuôi các nhóm động vật như bò sát, côn trùng…làm thú cưng cũng không gây ảnh hưởng gì đến hệ sinh thái vì thường nuôi với số lượng ít, cùng với việc do quen với môi trường nuôi nhốt nên những loài này khó mà sống trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, không được gây biến đổi gen, tác động hóa chất vào các loài động vật.“Việc biến đổi gen gây bất lợi cho bản thân sinh vật vốn đã thích nghi với môi trường sống dưới tác động của chọn lọc tự nhiên qua thời gian tiến hoá lâu dài (tính nhân văn). Các đột biến phát sinh ngẫu nhiên do tiếp xúc với các chất hoá học sẽ tích lũy và di truyền dẫn đến các chủng biến dị có thể bất lợi cho hệ sinh thái và con người”, thầy Trường chia sẻ.
|
Bình luận (0)