Tại sao nhập khẩu xăng dầu lao dốc hơn 55%?

14/04/2023 10:56 GMT+7

Nhập khẩu xăng dầu tháng 3 tiếp tục giảm, so cùng kỳ năm 2022, dòng xăng dầu chảy về nước sụt giảm đến 55%.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, Việt Nam nhập khẩu gần 753.000m3 xăng dầu, tương đương 610 triệu USD, giảm 10% về lượng và giảm 17% về giá trị so với tháng 2.

Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam tiếp đà giảm mạnh. Nếu so cùng kỳ năm ngoái, thời điểm giá dầu thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2.2022, nhập khẩu xăng dầu của cả nước đã giảm đến 42% về lượng và giảm 55% về giá trị.

Vào thời điểm tháng 3.2022, nguồn cung xăng dầu trong nước cũng bị ảnh hưởng lớn bởi sự cố ở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, khiến sản xuất trong nước giảm.

Tại sao nhập khẩu xăng dầu lao dốc hơn 55% - Ảnh 1.

Nhập khẩu xăng dầu giảm tháng thứ 2 liên tiếp

Đ.L

Lũy kế hết quý 1, Tổng cục Hải quan thống kê, Việt Nam nhập khẩu 2,6 triệu m3 xăng dầu, tương đương 2,2 tỉ USD, giảm 1,5% về lượng và giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xăng dầu nhập khẩu trong tháng 3 trung bình ở mức 811 USD/m3, giảm 7% so với tháng 2 và giảm 22% so với tháng 3.2022. Theo đó, giá xăng dầu nhập khẩu bình quân quý 1 ở mức 857 USD/tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn là nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm 40% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước, khoảng hơn 1 triệu m3, trị giá hơn 900 triệu USD trong quý đầu năm. Giá xăng dầu nhập khẩu từ thị trường này cũng đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10%.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), nguồn cung xăng dầu quý đầu năm tương đối ổn định nhờ một số kho xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối từng bị tạm dừng vì chưa kết nối thiết bị đo bồn bể tự động, nay đã được khắc phục. Theo đó, sản phẩm tinh chế trong nước đã tăng trở lại, giảm phụ thuộc nhập khẩu. Vinpa cũng đánh giá các doanh nghiệp đầu mối cũng đã thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn nên nguồn cung được cải thiện.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp đầu mối, nhu cầu mua nhiên liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh quý đầu năm giảm nhẹ cũng góp phần khiến sản lượng nhập khẩu giảm.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý 1, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.