Trong tuần này, Thủ tướng Kishida đã lần lượt đến thăm Pháp, Ý, Anh và Canada, trước khi ông có cuộc hội đàm với Tổng thống Biden tại Nhà Trắng ngày 13.1 (theo giờ Mỹ). Nhân dịp này, Reuters đã nêu một số lý do Nhật đang tìm kiếm các mối quan hệ quân sự ngoài Mỹ.
An ninh Đông Á “mong manh”
Trong tháng 6.2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lúc đó Nobuo Kishi nói rằng đất nước của ông bị bao vây bởi những quốc gia vũ trang hạt nhân từ chối tuân thủ các quy tắc ứng xử quốc tế. Ngoài ra, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022, Thủ tướng Kishida đã mô tả an ninh ở Đông Á là “mong manh”.
Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở biển Hoa Đông vào tháng 12.2022 |
Chụp màn hình CHiNAMIl.Com |
Đứng đầu danh sách của Nhật về các mối đe dọa là Trung Quốc, quốc gia mà Tokyo lo ngại có thể tấn công Đài Loan hoặc các đảo lân cận của Nhật, theo Reuters. Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự quanh biển Hoa Đông, bao gồm các cuộc tập trận chung trên không và trên biển với Nga.
Cùng lúc, Triều Tiên đã phóng tên lửa vào vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật vào tháng 10.2022. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 2017 Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm trung bay ngang qua Nhật.
Đồng minh duy nhất
Trong 7 thập niên qua, Nhật đã dựa vào sự bảo vệ của Mỹ và đổi lại, Mỹ có được các căn cứ cho phép nước này duy trì sự hiện diện quân sự lớn ở Đông Á.
Nhật có 54.000 lính Mỹ đóng trú, hàng trăm máy bay quân sự và hàng chục tàu chiến do tàu sân bay tiền phương duy nhất của Mỹ USS Ronald Reagan dẫn đầu.
Tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc tập trận sau khi Triều Tiên ra luật về tấn công hạt nhân phủ đầu |
Xây dựng khả năng phòng thủ
Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc phát triển cùng với nền kinh tế, cán cân quyền lực khu vực đã thay đổi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã vượt qua Nhật cách đây hai thập và hiện lớn hơn gấp 4 lần, theo Reuters.
Khi được Mỹ khuyến khích, Nhật trong tháng trước đã công bố kế hoạch xây dựng quốc phòng lớn nhất kể từ Thế chiến 2, với cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quân sự lên 2% GDP trong vòng 5 năm tới. Chi tiêu này sẽ bao gồm tiền dành cho các tên lửa có tầm bắn hơn 1.000 km, đủ để tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục mở rộng khả năng quân sự của mình và có khả năng trang bị vũ khí tinh vi hơn.
Đồng minh mới
Vì những lý do trên, và một lần nữa với sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật đang tìm kiếm các đối tác an ninh mới để hỗ trợ nước này cả về quân sự lẫn ngoại giao, theo Reuters. Nỗ lực này hiện đang tập trung vào các quốc gia cũng là đồng minh mạnh mẽ của Mỹ như Úc, Anh và Pháp.
Tại London vào ngày 11.1, trong chuyến công du các nước G7, Thủ tướng Kishida đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Thỏa thuận mới sẽ giúp hai nước tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ của nhau dễ dàng hơn. Nhật giữ chức chủ tịch G7 trong năm nay và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Hiroshima vào tháng 5.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ký một thỏa thuận quốc phòng tại London ngày 11.1 |
Reuters |
Về phần mình, khi hướng nhiều hơn tới châu Á, Anh đã tìm kiếm các mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn. Trong năm 2021, Anh đã điều tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth thăm Nhật và tuyên bố sẽ triển khai thường trực hai tàu chiến ở vùng biển châu Á.
Ngoài ra, trong tháng trước, Nhật Bản tuyên bố sẽ chế tạo máy bay chiến đấu mới với Anh và Ý. Đó là dự án quốc phòng lớn đầu tiên của Nhật với một quốc gia khác ngoài Mỹ kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc.
Nhật cũng đang tìm kiếm mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Kể từ năm 2004, Ấn Độ đã thường xuyên gặp gỡ Nhật, Mỹ và Úc để thảo luận về ngoại giao khu vực với tư cách là một thành viên của nhóm “Bộ tứ kim cương”.
Đơn vị tinh nhuệ Hàn Quốc-Mỹ tập trận gần biên giới Triều Tiên |
Ngoài ra, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, mối quan hệ đôi khi gặp rắc rối của Nhật với nước láng giềng Hàn Quốc cũng đã được cải thiện, mở ra khả năng hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa hai đồng minh của Mỹ, theo Reuters.
Bình luận (0)