Tại sao nhiều nước khuyến khích sinh con nhưng không hiệu quả?

14/07/2023 21:06 GMT+7

Các nước nỗ lực tìm biện pháp gia tăng tỷ lệ sinh nhưng không thu được kết quả khả quan, Liên Hiệp Quốc khuyến cáo chính sách lâu dài và thuyết phục hơn.

Đài CNA dẫn lời các chuyên gia rằng nếu muốn khắc phục tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh, mỗi quốc gia cần đề ra chính sách thuyết phục hơn. Thay vì trả tiền thưởng tạm thời để bù đắp cho người dân, chính phủ nên trợ cấp dài hạn cho các gia đình muốn sinh con.

Ông John Wilmoth, giám đốc bộ phận phân tích dữ liệu và thông tin dân số của Liên Hiệp Quốc, cho biết nhiều chính phủ lo ngại về tỷ lệ sinh quá thấp nên đã nỗ lực thử nghiệm nhiều biện pháp khác nhau nhưng đều thất bại.

“Chúng tôi nhận thấy rằng các biện pháp này đem lại hiệu quả nhất định trong thời gian ngắn như việc có thể khuyến khích người dân có con sớm hơn dự tính. Nhưng nó có thực sự làm thay đổi tỷ lệ sinh không thì còn chưa biết”, ông phát biểu vào ngày 11.7.

Tại sao nhiều nước khuyến khích sinh con nhưng không hiệu quả? - Ảnh 1.

Trẻ sơ sinh tại một phòng khám ở Seoul, Hàn Quốc.

REUTERS

Liên Hiệp Quốc cho hay đầu những năm 1970, trung bình mỗi phụ nữ sinh 4,5 con nhưng tỷ lệ sinh của thế giới đã giảm xuống còn dưới 2,5 con/phụ nữ vào năm 2015.

Lỗ hổng trong chính sách

Ông Wilmoth cho rằng các chính phủ nên chú ý đến những khó khăn của mỗi người khi phải vừa làm việc vừa chăm con và xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội cho trẻ em.

“Các chính phủ đã thực thi nhiều phương pháp, chẳng hạn như việc trao khoản tiền thưởng cao cho người sinh em bé đã thành công khuyến khích họ có con sớm trong những ngày đầu triển khai chính sách. Nhưng quan trọng hơn là liệu họ có được hỗ trợ mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm trong quá trình nuôi dưỡng con trẻ không?”, ông trả lời phỏng vấn CNA.

Vào Ngày Dân số Thế giới 11.7 vừa qua, khi đề cập việc nâng cao nhận thức về vấn đề dân số toàn cầu, một số chuyên gia cho rằng đầu tư vào nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo là rất quan trọng.

“Giải pháp lý tưởng nhất là cho phép mọi người quyết định cuộc đời của họ và tin tưởng vào lựa chọn ấy. Đó cũng có thể sẽ là chính sách tốt nhất cho quốc gia. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể tìm ra cách giảm bớt gánh nặng cho người dân trong việc chăm sóc con cái và chờ tỷ lệ sinh tăng trở lại”, ông Wilmoth nói.

Hàn Quốc vì sao lâm vào tình trạng thiếu hụt bác sĩ nhi khoa?

“Phụ nữ không thể gồng gánh thêm một công việc toàn thời gian nào tại nhà nữa”, ông kêu gọi bình đẳng giới và cho rằng nhiều quốc gia thật sự cần phải quan tâm đến vấn đề này.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng rất khó để tác động đến tỷ lệ sinh. Giáo sư viện nghiên cứu kinh tế và nhân khẩu người lớn tuổi tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), bà Gretchen Donehower bày tỏ: “Thay vì cứ chú tâm vào việc khôi phục tỷ lệ sinh, chúng ta tốt hơn hết nên khuyến khích người dân lập gia đình khi sẵn sàng về mặt kinh tế và trợ cấp cho người lớn tuổi”.

Thách thức ở các nước dân số già

Vào năm 2011, dân số thế giới khoảng 7 tỉ người, và giờ đây đã là 8 tỉ. Liên Hiệp Quốc dự đoán dân số sẽ tiếp tục tăng lên đến 8,5 tỉ người vào năm 2030. Nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ này là do số lượng người sống thọ ngày càng tăng, cùng với quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh cùng việc đẩy nhanh quá trình di cư.

Theo Liên Hiệp Quốc, nhờ thị trường chăm sóc sức khỏe được chú trọng hơn, tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng từ 64,6 tuổi vào đầu những năm 1990 lên 72,6 tuổi vào năm 2019. Tuy nhiên, tuổi thọ ngày càng tăng cũng đòi hỏi nhiều dịch vụ y tế hơn cho dân số già.

Hầu hết các quốc gia mà dân số có tốc độ lão hóa nhanh thường là ở châu Á, cụ thể như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, những quốc gia đó “dường như đã dự phòng sẵn cho những gì sắp xảy ra trong tương lai”, bà Donehower cho biết.

Chẳng hạn như ở Nhật Bản, người cao tuổi thường làm việc thêm nhiều năm nữa sau khi họ chính thức nghỉ hưu.

“Nhưng đây sẽ là một hạn chế đối với các quốc gia có đời sống sức khỏe yếu kém. Không ai muốn người dân của mình phải tiếp tục làm việc quá sức”, bà nói thêm.

Theo bà Donehower, cho đến thời điểm hiện tại, các quốc gia dẫn đầu trong việc giải quyết vấn đề dân số già thường chọn giảm thiểu chính sách hưu trí dựa trên tuổi tác và xây dựng một thị trường lao động linh hoạt hơn dành cho người lao động lớn tuổi.

Bà cũng cho rằng các chính phủ nên giảm bớt nghĩa vụ ngoài xã hội cho những người có cả con nhỏ và cha mẹ già cần phải chăm nom.

Ngoài ra, các chuyên gia còn nhấn mạnh việc phòng bệnh hơn chữa bệnh và khuyến khích người dân chú trọng đến các vấn đề như chế độ dinh dưỡng, duy trì giấc ngủ và thói quen tập thể dục.

Bà Diane Ty, giám đốc cấp cao trung tâm chăm sóc sức khỏe tuổi thọ của tổ chức phi lợi nhuận Milken Institute, đã lấy bệnh suy giảm trí nhớ làm minh chứng cho thấy việc nâng cao sức khỏe từ sớm là rất quan trọng. Bà còn chỉ ra rằng hơn một nửa số người mắc chứng mất trí nhớ trên toàn thế giới sẽ sống ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

“Ở Nhật Bản, bài kiểm tra trí nhớ ở người lớn tuổi trở thành một phần của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ”, bà cho biết.

Yếu tố biến đổi khí hậu

Liên Hiệp Quốc cho rằng những thay đổi về dân số có những tác động sâu rộng, vì chúng ảnh hưởng đến các lĩnh vực như phát triển kinh tế, nguồn thu nhập và bảo hiểm xã hội.

Biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố đáng để xem xét vì có thể ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề gia tăng dân số, bao gồm khả năng xuất hiện xu hướng di dân.

“Một số nơi trên thế giới phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Ví dụ như có những giai đoạn nắng nóng cực độ đến nỗi gây chết người. Nhưng tôi vẫn không chắc chắn điều đó có thật sự đáng lo ngại”, ông Wilmoth chia sẻ.

Ông đánh giá vấn đề di cư là một mối bận tâm lớn, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng khí hậu, chẳng hạn như ở những vùng trũng thấp thường xảy ra lũ lụt.

“Bởi lẽ những nơi như vậy không phải để sống, nhưng tôi nghĩ vấn đề lớn hơn có lẽ là liệu biến đổi khí hậu ở một số khu vực sẽ khiến nền kinh tế thay đổi hay không. Câu trả lời là nó có thể gây thiệt hại cho một số ngành nhất định, cụ thể là nông nghiệp, và điều đó sẽ khiến mọi người muốn chuyển đến nơi khác sống”, ông nói thêm.

Trước sự phát triển của quá trình đô thị hóa và hiện tượng di cư, Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ có khoảng 66% tổng dân số chuyển đến sinh sống ở các thành phố vào năm 2050.

“Tôi hy vọng rằng dù hầu hết các nước đều đang đối mặt với biến đổi thời tiết phức tạp, họ vẫn có thể thích nghi được với điều đó”, ông Wilmoth bày tỏ với niềm tin rằng vẫn chưa có gì rõ ràng về hậu quả do yếu tố khí hậu gây ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.