Tại sao phải đấu thầu thuốc ?

08/10/2022 06:27 GMT+7

Liên quan đến chủ đề đấu thầu, phát biểu tại buổi khảo sát, PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cho rằng hiện các BV tốn rất nhiều công sức trong đấu thầu mua thuốc , vật tư tiêu hao, trang thiết bị.

Ngày 7.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập TP.HCM giai đoạn từ 1.1.2020 - 30.6.2022 và góp ý dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi; dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Tham dự buổi khảo sát có Sở Y tế và 25 bệnh viện trên địa bàn.

Xã hội hóa nhưng phải chăm sóc người nghèo, giàu như nhau

Phát biểu tại cuộc khảo sát, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng sau dịch Covid-19 ngành y tế gặp rất nhiều thách thức, nhiều điểm nóng.

Điểm nóng thứ nhất là vấn đề biến động nhân viên y tế (NVYT) chưa thấy điểm dừng và cần làm thế nào sửa luật, có cơ sở pháp lý để củng cố đội ngũ NVYT. Điểm nóng thứ hai là vấn đề tự chủ còn nhiều băn khoăn, lo lắng cho giám đốc các bệnh viện (BV) vì chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, do đó cần có những hướng dẫn, quy định. Trong tự chủ còn có xã hội hóa (XHH) thì làm như thế nào, bởi nếu không có sự đóng góp của xã hội thì khó đáp ứng được nhu cầu. Ông ví von: “XHH như chuyển từ máy bay cũ sang máy bay mới. Trên máy bay mới có người giàu, người nghèo và đều ngồi chung. XHH là đừng để người nghèo ngồi trên máy bay cũ, người giàu ngồi máy bay mới; người giàu thì được ngồi phía trên, người nghèo thì ngồi phía dưới”.

Đấu thầu thuốc hiện nay là vấn đề khó khăn cho bệnh viện

DUY TÍNH

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, phát biểu thêm rằng ngành y tế rất ủng hộ chính sách XHH và xem đây là vũ khí hỗ trợ thêm cho ngân sách. Nhưng để XHH bền vững, công bằng, công khai với người bệnh thì cốt lõi vẫn là giá thu. Trong dịch vụ y tế, nên có quy định không phân biệt người bệnh của XHH và người bệnh công lập. Do đó, tính đúng, tính đủ giá viện phí là cần thiết.

“BV được ví như máy bay, để lên được máy bay đó thì giá vé cơ bản như nhau; không có ngồi ghế súp, ghế đôi; được phục vụ ăn, nước. Như vậy, giá dịch vụ khám chữa bệnh đáp ứng cơ bản thì giải quyết được mâu thuẫn giá XHH và giá không XHH. Tức khung giá cơ bản về khám chữa bệnh, phẫu thuật, thuốc men giữa loại hình công lập và XHH tương đồng thì phát triển XHH sẽ bền vững”, TS-BS Nguyễn Anh Dũng nói.

Và bên cạnh giá cơ bản thì những ai có nhu cầu phục vụ ngoài nhu cầu cơ bản như lên máy bay sớm hơn, có lối đi riêng, phục vụ tiện ích cao hơn thì đi hạng thương gia. Còn tại BV là được chọn phòng có nhiều giá và XHH đáp ứng điều này cho người có điều kiện.

“Làm thế nào đảm bảo sức khỏe người giàu và người nghèo như nhau, đó là mục tiêu quan trọng. Thứ hai là đảm bảo sự công bằng giữa các NVYT, vì càng ngày có sự chênh lệch giữa NVYT trong khi chưa chắc nơi làm cực hơn thu nhập cao hơn và rất mong có cơ chế chính sách điều tiết”, người đứng đầu ngành y tế trăn trở và cho rằng việc sửa luật Khám bệnh, chữa bệnh chưa thể giải quyết hết được những tồn tại, nhưng rất cần sửa sớm vì có quá nhiều lạc hậu.

Trăn trở về đấu thầu

Liên quan đến chủ đề đấu thầu, phát biểu tại buổi khảo sát, PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cho rằng hiện các BV tốn rất nhiều công sức trong đấu thầu mua thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị. BV quanh năm suốt tháng cứ đấu thầu, thậm chí có cả những vật dụng của hành chính quản trị. “Tại sao chúng ta cứ phải đi vào con đường đấu thầu, trong khi đó nếu ngay từ đầu vào chúng ta quản lý tốt về giá, thí dụ như một loại thuốc đưa vào Việt Nam thì từ bắc chí nam đều mua 1 giá, tại sao không làm?”, PGS-TS Diễm Tuyết đặt câu hỏi.

Giám đốc BV Hùng Vương chia sẻ thêm: “Chúng tôi được đào tạo là bác sĩ, cử nhân, điều dưỡng, hộ sinh chứ không được đào tạo về kinh tế nhưng nhiệm vụ phải đấu thầu. Có những sai sót mà trong thời gian vừa qua mất người tài trong lĩnh vực y tế thì đáng tiếc. Điều này cần suy nghĩ để có đột phá để BV thay vì dành thời gian đấu thầu thì tập trung vào chuyên môn chăm sóc sức khỏe người dân”.

Còn theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, “chúng ta cứ theo đấu thầu thuốc giá rẻ hoài, chúng ta mất thời gian, công sức và cả con người cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vào đấu thầu. Chúng ta có dám để vào trong luật “không bắt buộc phải đấu thầu” mà có nhiều cơ chế cho BV được chọn không?”. “Tôi nói thật, tôi ao ước gì các BV công lập được hoạt động theo cơ chế giống như BV tư nhân. Được quyền định đoạt mua sắm miễn làm sao đảm bảo mục tiêu lo được cho bệnh nhân và bệnh nhân hài lòng, còn chi trả là do bảo hiểm y tế. Nhưng chi trả làm sao cho đúng theo giá thị trường thì phải xem lại cơ chế hoạt động, phát triển mô hình y tế cơ bản, bảo hiểm y tế dịch vụ. Không thể nào đòi hỏi chuyện ngon, bổ mà lại rẻ, không bao giờ có”, PGS-TS Phong Lan nói.

Bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng

TS-BS Nguyễn Anh Dũng đề xuất đưa vào dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh chức danh trợ lý điều dưỡng. Bởi hiện, một đêm 3 điều dưỡng trực đến 70 - 80 bệnh nhân, trong khi số người bỏ việc gia tăng, hoặc điều dưỡng đi học. Trợ lý điều dưỡng được đào tạo để hỗ trợ người bệnh công tác vệ sinh cá nhân, giường bệnh, ăn uống, di chuyển trong nội bộ BV (những công việc đó hiện do điều dưỡng chính làm). Và tùy theo mô hình đào tạo, trợ lý điều dưỡng cũng có thể theo dõi người bệnh ngày và đêm, lấy sinh hiệu (mạch, nhiệt độ...), đánh giá chiều cao, cân nặng. Họ thực hiện dưới sự giám sát của điều dưỡng chính. Thậm chí trợ lý điều dưỡng cũng có thể hỗ trợ bác sĩ được phân công như vận chuyển máy móc… Ý kiến này được nhiều đại biểu đồng tình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.