Dạy học từng môn học riêng rẽ như hiện nay có tác dụng cung cấp kiến thức khoa học logic, chặt chẽ, có hệ thống của từng lĩnh vực và tạo điều kiện phân hóa theo định hướng nghề nghiệp của HS.
Một giờ học toán vận dụng phương pháp tích hợp của học sinh Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) - Ảnh: Tuệ Nguyễn |
Tuy nhiên, điều này cũng nảy sinh những bất cập như khó phát triển năng lực HS và dẫn đến tâm lý giáo viên nào cũng cho môn của mình là quan trọng, môn nào cũng muốn đưa nhiều kiến thức vào sách giáo khoa dẫn đến quá tải đối với HS. Tích hợp và dạy học tích hợp sẽ góp phần khắc phục những bất cập trên.
Trước đây, các khoa học tự nhiên nghiên cứu theo tư duy phân tích, mỗi khoa học nghiên cứu một dạng vật chất, một hình thức vận động của vật chất trong tự nhiên. Nhưng bản thân giới tự nhiên là một thể thống nhất nên hiện nay đã xuất hiện những khoa học liên ngành, giao ngành, hình thành những lĩnh vực tri thức đa ngành, liên ngành. Ví dụ nghiên cứu sự phát triển của cây không chỉ đơn thuần nghiên cứu về mặt sinh học mà phải nghiên cứu đầy đủ về quá trình hóa học và vật lý diễn ra trong cây. Có như vậy mới hiểu đúng bản chất phát triển của cây, từ đó mới giải quyết được vấn đề làm sao cho cây phát triển tốt nhất.
Trong quá trình phát triển xã hội loài người nói chung và một dân tộc nói riêng, các sự kiện, sự việc diễn ra đều liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Như vậy, dạy học tích hợp sẽ giúp người học tiếp cận tốt hơn với bản chất của tự nhiên và xã hội.
Việc dạy học xung quanh một chủ đề đòi hỏi huy động kiến thức, kỹ năng, phương pháp của nhiều môn học. Điều này tạo thuận lợi cho việc trao đổi và làm giao thoa các mục tiêu dạy học của các môn học khác nhau. Vì vậy, tích hợp sẽ đáp ứng yêu cầu dạy học để phát triển năng lực HS.
Theo Xavier Roegier (nhà giáo dục Bỉ), dạy học tích hợp tạo mối liên hệ trong học tập bằng việc kết nối các môn học khác nhau, nhấn mạnh đến sự phụ thuộc và mối liên hệ giữa các kiến thức, kỹ năng và phương pháp của các môn học đó. Do đó, tích hợp là phương thức dạy học hiệu quả vì kiến thức được cấu trúc có tổ chức và vững chắc.
Thiết kế chủ đề tích hợp ngoài việc tạo điều kiện tích hợp mục tiêu của 2 hay nhiều môn học, nó còn cho phép tránh sự lặp lại nội dung các môn học nên tiết kiệm thời gian tổ chức hoạt động học tập.
Bên cạnh những lợi ích, dạy học tích hợp cũng đặt ra nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi giáo viên đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc xây dựng nội dung và thiết kế các hoạt động học. Giáo viên phải có đầu óc cởi mở, hợp tác, sẵn sàng tiếp nhận thông tin, kiến thức từ các môn học khác hoặc kiến thức mới của xã hội và khoa học... Giáo viên ở trường phổ thông hiện nay chủ yếu đào tạo để giảng dạy các môn học riêng rẽ, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng chủ yếu liên quan đến môn học mà họ phụ trách. Chính vì vậy, đa số giáo viên có tâm lý coi trọng chuyên môn mình, không cởi mở và ít hợp tác với giáo viên các môn khác.
Bình luận (0)