Tại sao phụ nữ mắc Alzheimer nhiều hơn đàn ông?

27/06/2020 04:05 GMT+7

Lúc trước, người ta cho rằng 2/3 số người mắc bệnh Alzheimer là phụ nữ vì họ có xu hướng… sống lâu hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã phản bác nguyên nhân trên.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Thần kinh học (Mỹ) đã xem xét 85 phụ nữ và 36 nam giới trong độ tuổi từ 40 đến 65 khỏe mạnh về nhận thức. Nghiên cứu cho thấy mức độ estrogen thấp hơn ở phụ nữ sau mãn kinh có thể đóng vai trò kích hoạt những thay đổi não liên quan đến bệnh Alzheimer. Cơ chế này có thể là một trong những lý do khiến tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh Alzheimer cao hơn nam giới, theo newatlas.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu nhiều hơn trước khi có bất kỳ khuyến nghị kết luận nào được đưa ra liên quan đến liệu pháp thay thế hoóc môn để giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Ngoài ra, Alzheimer liên quan đến một loạt các yếu tố di truyền và môi trường phức tạp. Vì vậy, rõ ràng sự suy giảm estrogen sau mãn kinh không thể được coi là tác nhân duy nhất gây ra bệnh Alzheimer ở phụ nữ, theo newatlas.
Nhưng tác giả Lisa Mosconi, đến từ Trường đại học khoa học y khoa Weill Cornell (Mỹ), và nhóm nghiên cứu cho rằng nội tiết tố và tình trạng mãn kinh là những chỉ số có giá trị về nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sớm ở một số phụ nữ.
"Khoảng 2/3 số người mắc bệnh Alzheimer là phụ nữ và suy nghĩ chung cho đó là do phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn", Lisa Mosconi chia sẻ. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân sinh lý khác giải thích tại sao có sự khác biệt rõ ràng về giới tính như vậy trong các trường hợp Alzheimer.
Chẳng hạn, một nghiên cứu năm ngoái đã chỉ ra một số gien đặc trưng cho giới tính có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở phụ nữ. Một nghiên cứu khác thì tìm ra cấu trúc và chức năng ở não phụ nữ có thể đẩy nhanh sự lây lan của protein độc hại, theo newatlas
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.