"THƯỜNG XUYÊN BỊ TRÊU CHỌC"
Trong khi bạn bè cùng lớp đều cao trên 1,55 m, thì L.T.C, học sinh (HS) lớp 11 tại một trường THPT ở P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức (TP.HCM), "thấp hơn cả cái đầu", như lời C. tâm sự. Chính vì thế, theo C., bạn thường xuyên bị trêu chọc, thậm chí xúc phạm.
"Em cũng không biết vì sao lại thấp đến vậy khi chỉ cao 1,41 m. Nhiều khi nhìn bạn bè mà chạnh lòng", C. nói.
Câu chuyện của C. không ngoại lệ. Nhiều người trẻ cũng gặp tình cảnh tương tự khi thấp bé, nhẹ cân hơn so với bạn bè cùng lứa. Để rồi vì thế mà nhiều người bị gắn với biệt danh "lùn", "ngắn"…
Nguyễn Hoàng Bảo (32 tuổi), nhân viên truyền thông ở một công ty về lĩnh vực agency trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3 (TP.HCM), cho biết bị mặc cảm với người khác khi nhiều đồng nghiệp cao trên 1,7 m mà Bảo chỉ cao vỏn vẹn… 1,5 m. "Thay vì tên, nhiều người lại gọi tôi là "ba mét bẻ đôi", "Bảo lùn"… Tôi rất ngại khi phải nghe những lời như thế", Bảo kể.
Theo quan sát của phóng viên Báo Thanh Niên, ở nhiều trường học các bậc từ tiểu học đến đại học, có sự chênh lệch rõ nét về chiều cao của HS, sinh viên.
"Ở lớp em, có những bạn cao hơn 1,75 m. Nhưng em chỉ cao 1,52 m. Thậm chí có những bạn cao chưa đầy 1,5 m", N.H.T, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ca thán. Chính vì thế, theo T., mỗi khi xếp hàng chụp ảnh, T. cảm thấy ngại ngùng và xấu hổ khi bạn bè lấy tay so bì chiều cao.
Chị Phan Thị Huỳnh Thảo (35 tuổi), ngụ tại đường số 8, TP.Thủ Đức, cho biết dù đầu tư nhiều tiền, chú trọng trong việc nuôi con từ khi mới lọt lòng, thế nhưng con chị vẫn còi cọc.
"Con tôi 10 tuổi, cao 1,24 m, trong khi bạn bè cùng lớp cao hơn 1,35 m. Thấy con mình thấp bé nhẹ cân như vậy, tôi cảm thấy rất buồn. Dù đã tìm nhiều cách nhưng chưa có hiệu quả trong việc giúp con cao hơn", chị Thảo tâm sự.
Tương tự, anh Nguyễn Tấn Việt (32 tuổi), làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1, TP.Thủ Đức, cũng nói: "Tôi buồn khi nhìn con mình thấp hơn bạn bè cùng tuổi. Con 11 tuổi nhưng chỉ cao 1,3 m; thấp hơn 4 - 5 cm so với bạn".
GÁNH NẶNG VỀ DINH DƯỠNG
Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 - 2020 do Bộ Y tế công bố, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là từ 19,6 - 20%. Trong khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) còn 14,8%.
Chiều cao của trẻ 5 tuổi của nam lẫn nữ là 1,105 m (nam hạng 127/200 so với chiều cao trung bình của trẻ em cùng tuổi ở thế giới, nữ hạng 117/200).
Còn chiều cao của thanh niên VN là 1,681 m (nam, hạng 154/200 so với chiều cao trung bình của thanh niên cùng tuổi trên thế giới) và 1,562 m (nữ, hạng 148/200).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chiều cao trung bình của dân số khoẻ mạnh nên là 1,63 m đối với nữ và 1,765 m đối với nam. Như vậy, chiều cao trung bình của cả nữ và nam ở VN hiện nay đều thấp hơn khuyến nghị của WHO.
Từ kết quả này, bà Rana Flower, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ, kiêm quyền Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ tại VN, nhận định VN đang đối mặt với gánh nặng về dinh dưỡng, trong đó có suy dinh dưỡng thấp còi.
VÌ SAO ?
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1 (TP.HCM), nhìn nhận chiều cao của HS VN hiện nay khá tốt. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận nhỏ các em bị còi và không có chiều cao tương xứng với thể trạng. Điều này đến từ chế độ dinh dưỡng của nhiều gia đình, gien di truyền.
Ông Phú cho biết thêm: "Hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường hiện nay chưa đáp ứng được hết sự thay đổi tâm sinh lý của HS. Vì ghế học cố định, phải ngồi im hàng giờ liền, chứ không thể xoay nhiều góc độ hay linh hoạt di chuyển. Cách giáo dục tại VN vẫn còn ngồi thụ động nhiều, điều đó làm cột sống và góc nhìn theo thời gian lâu dần hình thành tác động và thói quen xấu. Do đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của HS, dẫn đến nhiều vấn đề về tật khúc xạ mắt, vẹo cột sống…".
Cựu vận động viên nhảy cao, thạc sĩ giáo dục thể chất Nguyễn Thị Ngọc Tâm, Công ty thể dục Bằng Tâm, là người sáng lập lớp thể dục phát triển chiều cao ở TP.HCM. Theo chị Tâm, qua 10 năm dạy trẻ phát triển chiều cao, chị nhận thấy khá nhiều trẻ có ngoại hình thấp. "Qua tìm hiểu, có thể thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Như xuất phát từ thói quen của phụ huynh không tầm soát về dinh dưỡng, thường chỉ chú tâm đến nhóm chính: đạm, tinh bột, trái cây nhưng ít để ý và bổ sung vi chất. Trong khi vi chất góp phần tăng trưởng chiều cao cho trẻ nhiều hơn các loại thực phẩm chức năng thường quảng bá tràn lan", chị Tâm nói.
Còn bác sĩ Đỗ Thị Trinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho biết trong quá trình khám, chữa bệnh, đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng hoặc cơ thể thấp còi. Theo bác sĩ Trinh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thấp còi, tuy nhiên chủ yếu là vì khẩu phần ăn của trẻ không đáp ứng đủ nhu cầu về vitamin và khoáng chất cần thiết trong 5 năm đầu đời.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh chưa có sự trang bị đầy đủ kiến thức để nuôi con, dẫn đến việc con gặp tình trạng kém khả năng hấp thu, bị những vấn đề về nhiễm ký sinh trùng, dị tật bẩm sinh… để rồi hậu quả là trẻ bị thấp còi.
Bác sĩ Lê Thanh Như, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho biết có một thực tế hiện nay là phụ huynh chỉ quan tâm đến việc học của con, mà lơ là việc bổ sung dinh dưỡng, không khuyến khích vận động thể lực, chơi thể dục thể thao.
"Bên cạnh đó là hàng loạt nguyên nhân khác dẫn đến trẻ thấp còi mà không thể bỏ qua tác nhân chính là chế độ dinh dưỡng. Nhiều phụ huynh có cách nuôi con sai lầm, thiếu kiến thức khi cho trẻ cai sữa sớm, ăn không đủ chất sau khi cai sữa… Và hệ lụy là trẻ thấp còi", bác sĩ Như nói.
Còn theo PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM: "Nhìn vào chiều cao trung bình của người Việt so với các nước trong khu vực và thế giới, cũng như so với tiêu chuẩn của WHO, thì tầm vóc người Việt còn cần được phát triển, cải thiện hơn nữa". (còn tiếp)
Bình luận (0)