Tại sao Trung Quốc chưa vội công nhận Taliban lãnh đạo Afghanistan?

30/08/2021 17:35 GMT+7

Một số nguồn thạo tin và nhà quan sát ở Trung Quốc vừa tiết lộ lý do Bắc Kinh chưa vội công nhận chính quyền Afghanistan do Taliban dẫn đầu cũng như mối quan tâm chính của Trung Quốc ở Afghanistan.

Trung Quốc nằm trong số quốc gia đầu tiên thiết lập liên lạc với Taliban nhưng chưa chính thức công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp của Afghanistan, theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 28.8. Tờ báo Hồng Kông này dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao và giới quan sát cho rằng Bắc Kinh không vội công nhận chính quyền Afghanistan do Taliban lãnh đạo, thay vào đó sẽ “can thiệp mang tính xây dựng”.
Khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, Trung Quốc tuyên bố sẽ không can thiệp vào nước này cùng quân đội, mà hứa sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải và hỗ trợ tái thiết. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa tin hoàn toàn vào những lời hứa của Taliban sau khi lực lượng này tiến vào thủ đô Kabul và giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15.8.

[VIDEO] Taliban hứa chính phủ Afghanistan sẽ có cả người ngoài lực lượng

Taliban đã tỏ dấu hiệu muốn thiết lập một chính quyền ổn định và ôn hòa ở Afghanistan. Trong nỗ lực nhằm đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, Taliban đã cam kết sẽ xây dựng một chính phủ với sự tham gia của nhiều bên, tiếp cận cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai để bàn về khả năng này. Taliban cũng đã hứa sẽ bảo vệ các quyền của phụ nữ trong khuôn khổ của luật Hồi giáo, và không để lãnh thổ Afghanistan bị biến thành nơi dung dưỡng các nhóm khủng bố.
Tuy nhiên, nỗi sợ vẫn gia tăng đối với nữ giới ở Afghanistan sau khi Taliban yêu cầu họ ở nhà, cho hay họ không an toàn trong sự hiện diện của các thành viên thuộc lực lượng này. Ngoài ra, vụ đánh bom đẫm máu tối 26.8 ở bên ngoài sân bay Kabul do ISIS-K, nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tiến hành một lần nữa cho thấy tình hình an ninh ở Afghanistan còn lâu mới ổn định, theo SCMP

Lực lượng phản kháng chống Taliban ở tỉnh Panjshir thuộc miền bắc Afghanistan ngày 28.8

AFP

Đối xử Taliban như chính quyền quân sự Myanmar?
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng các mối đe dọa về tấn công khủng bố ở Afghanistan vẫn còn trong thời gian dài, nhưng sự nghi ngờ của Bắc Kinh về Taliban sẽ không cản trở Trung Quốc tiếp tục tiếp xúc với lực lượng này.
“Trung Quốc không vội công nhận [chính phủ Afghanistan do Taliban lãnh đạo] và đang quan sát cẩn thận các diễn biến. Trong khi đó, chúng ta vẫn duy trì liên lạc tích cực với Taliban”, một nguồn thạo tin về việc hoạch định chính sách ngoại giao của Trung Quốc tiết lộ, theo SCMP.
Một nguồn tin khác cũng tiết lộ: “Trung Quốc sẽ không dẫn đầu [trong việc công nhận chính quyền do Taliban lãnh đạo]. Việc này tương tự như cách Trung Quốc đối xử chính quyền quân sự [ở Myanmar]. Dù có sự liên lạc tốt với chính quyền quân sự [Myanmar] và hai bên hiểu rõ về nhau, Bắc Kinh đã không dẫn đầu trong việc công nhận chính quyền quân sự này”. Nguồn tin còn tiết lộ Trung Quốc sẽ xem xét các quan điểm của cộng đồng quốc tế trước khi đưa ra bất kỳ hình thức công nhận nào đối với chính quyền Afghanistan do Taliban dẫn dầu.

Người Afghanistan hoan nghênh quân đội nước ngoài rút quân, lo lắng về tương lai bất định

Như là một phần của tiến trình tiếp xúc Taliban, Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Vương Ngu hôm 24.8 đã có cuộc gặp tại Kabul với Phó chánh văn phòng chính trị Taliban Abdul Salam Hanafi ở Qatar. Bắc Kinh cũng đã liên lạc với Taliban trước khi lực lượng này lên nắm quyền. Vào cuối tháng 7, khoảng 2 tuần trước khi Taliban tiến vào Kabul, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp một phái đoàn Taliban ở thành phố Thiên Tân, nhấn mạnh nhu cầu về một chính phủ có nhiều bên tham gia và kêu gọi lực lượng này cắt đứt quan hệ với tất cả nhóm khủng bố.

Quan tâm chính của Trung Quốc

Công nhận Taliban là đối tác đáng tin cậy sẽ là việc làm khó đối với Bắc Kinh ở trong nước, đặc biệt là vì mối liên hệ giữa lực lượng này với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, một nhóm ly khai bị Bắc Kinh cáo buộc tiến hành các cuộc tấn công ở Khu tự trị Tân Cương. Nhiều người vẫn còn nghi ngờ Taliban, nhớ lại sự cai trị tàn bạo của lực lượng này trong thập niên 1990, và bày tỏ lo lắng về an ninh của Tân Cương.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đại diện Taliban ở thành phố Thiên Tân ngày 28.7

Reuters

Đối với các nhà phân tích về chính sách ngoại giao của Trung Quốc, vị trí chiến lược của Afghanistan và những điều tiềm ẩn liên quan an ninh biên giới cho thấy Bắc Kinh cần lập chính sách một cách cẩn trọng. Họ cảnh báo về nguy cơ hứa nhiều hơn làm và Trung Quốc nên tránh sai lầm của những nước đã từng can thiệp vào Afghanistan.
Trong đó, chuyên gia về Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Diệp Hải Lâm cho rằng quan tâm chính của Trung Quốc ở Afghanistan là kinh tế. “Sự can thiệp của Trung Quốc sẽ rất khác so với Mỹ… sẽ tập trung vào công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế”, ông Diệp nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với trang tin China.com.cn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.