Tái tạo gương mặt danh họa Raphael đã qua đời từ 500 năm trước

08/08/2020 10:38 GMT+7

Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Tor Vergata ở Rome (Ý) đã phục dựng thành công gương mặt được cho là của họa sĩ Raphael đã qua đời từ 500 trước.

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Tor Vergata tọa lạc tại Rome (Ý) đã sử dụng công nghệ 3D và phục dựng thành công gương mặt được cho là của danh họa kiệt xuất nước Ý Raphael, người đã qua đời đúng nửa thế kỷ trước cũng tại Rome. Ông mất vào năm 1520 khi mới 37 tuổi và thi thể được chôn ở Pantheon (Rome). Theo các công bố mới nhất, ông mất sau một trận sốt kéo dài và sự sai sót trong kỹ thuật y học thời đó đã góp phần gây nên cái chết của nam họa sĩ tài ba.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hộp sọ từ bộ hài cốt được khai quật của ông vào năm 1833. Sau khi phục dựng thành công gương mặt, các nhà nghiên cứu này liền đem "thành quả" có được so sánh với bức chân dung tự họa của Raphael và nhận ra những tương đồng đến bất ngờ. 
Điều còn gây bàn cãi ở đây đó là không chắc bộ hài cốt được sử dụng có phải là của danh họa tài hoa hay không. Một số hài cốt khác là của các học trò ông và một số thì không nhận dạng được là của ai, tất cả được tìm thấy cùng thời điểm. 

Họa sĩ Raphael qua đời khiến cho bức tranh Transfiguration vẽ năm 1520 không thể hoàn thành

Ảnh: Raphael/Bảo tàng Vatican

Thế nhưng theo phát ngôn của nhà nhân loại học phân tử Olga Rickards ở Đại học Tor Vergata, bộ hài cốt đó không thể là của ai khác ngoài danh họa bạc mệnh. Ông nói: "Như nghiên cứu đã chỉ ra, lần đầu tiên có một bằng chứng cụ thể về thi hài được khai quật ở Pantheon năm 1833 là của họa sĩ Raffaello Sanzio (tức Raphael) và điều này đã mở ra một tương lai xán lạn cho việc áp dụng nghiên cứu phân tử để nhận dạng người quá cố". 
Cách đây khá lâu, các sử gia nghiên cứu y khoa của trường Đại học công lập Milano-Bicocca (Ý) cho biết nhận thức không đúng của y học thời đó về kỹ thuật lấy máu tĩnh mạch để chữa bệnh đã dẫn đến cái chết của Raphael. Ông chết sau khi lấy máu vài ngày. Một trận sốt kéo dài khiến ông kiệt quệ. Đồng thời cũng nghiên cứu của trường đại học này cho biết nam họa sĩ trẻ khi ấy đã mắc bệnh liên quan đến phổi. 
Mặc dù mùa dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng thời gian qua, để tưởng nhớ kỷ niệm 500 năm ngày mất của Raphael, nhiều bảo tàng khắp nước Ý đã trưng bày hơn 200 tác phẩm của ông. Ông cùng với các họa sĩ kiệt xuất như Leonardo da Vinci và Michelangelo là ba trụ cột trong ngôi đền hội họa Phục hưng phương Tây. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.