Tái tạo khuôn mặt của một phụ nữ Neanderthal sống cách đây 75.000 năm

02/05/2024 08:35 GMT+7

Phát hiện mới nhất giúp các chuyên gia điều tra bí ẩn của khoảng 40 phụ nữ Neanderthal an táng dưới một khối đá khổng lồ ở vùng Kurdistan thuộc Iraq.

Tái tạo khuôn mặt của một phụ nữ Neanderthal sống cách đây 75.000 năm- Ảnh 1.

Phó giáo sư Emma Pomeroy tại Đại học Cambridge và khuôn mặt của người phụ nữ Neanderthal được tái tạo

AFP

Trang Phys.org ngày 2.5 đưa tin một nhóm chuyên gia khảo cổ người Anh vừa công bố khuôn mặt được tái tạo của một phụ nữ Neanderthal từng sống cách đây 75.000 năm.

Được đặt tên là Shanidar Z theo tên hang động tại vùng Kurdistan ở Iraq, nơi hộp sọ được tìm thấy vào năm 2018, phát hiện mới nhất giúp các chuyên gia điều tra bí ẩn của khoảng 40 phụ nữ Neanderthal an táng dưới một khối đá khổng lồ.

Phần dưới bộ xương của người phụ nữ đã được phát hiện vào năm 1960 trong cuộc khai quật mang tính đột phá của nhà khảo cổ học người Mỹ Ralph Solecki, trong đó ông đã tìm thấy hài cốt của ít nhất 10 người Neanderthal.

Việc ông phát hiện ra nhóm thi thể, trong đó một thi thể được bao quanh bởi những cụm phấn hoa cổ xưa, khiến ông đưa ra lập luận gây tranh cãi rằng đây là bằng chứng của các nghi thức tang lễ với người chết được đặt trên hoa.

Những khó khăn chính trị khiến việc nghiên cứu trì trệ trong 5 thập niên, trước khi một nhóm từ Đại học Cambridge và Đại học Liverpool John Moores được phép quay lại địa điểm ở vùng núi Zagros phía bắc Iraq.

Người Neanderthal tuyệt chủng vì tình dục?

Người Neanderthal cuối cùng đã chết một cách bí ẩn vào khoảng 40.000 năm trước. Hộp sọ của Shanidar Z, được cho là phát hiện của người Neanderthal được bảo quản tốt nhất trong thế kỷ này, đã bị đè bẹp và dày 2 cm, có thể do một tảng đá rơi tương đối sớm sau khi người này qua đời.

Chuyên gia Lucia Lopez-Polin sau đó đã ghép hơn 200 mảnh sọ lại với nhau, nhằm tái tạo khuôn mặt cho bộ phim tài liệu "Bí mật của người Neanderthal" của Netflix.

Shanidar Z là thi thể thứ 5 được xác định trong cụm bị chôn vùi trong ít nhất vài trăm năm ngay sau tảng đá ở trung tâm hang động. Các nhà khảo cổ tin rằng khối đá được sử dụng như một cột mốc giúp người Neanderthal quay trở lại vị trí cũ để chôn cất người chết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.