Khi nào tái tạo?
Theo bác sĩ Trần Văn Thiệp – Trưởng khoa Ngoại 3 (Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM), tái tạo vú được chỉ định cho các bệnh nhân đã đoạn nhũ vì ung thư vú ở giai đoạn sớm. Tái tạo vú có thể được thực hiện cùng lúc với đoạn nhũ (gọi là tái tạo vú tức thì); hoặc tái tạo vú thực hiện sau khi đã đoạn nhũ và hoàn tất các điều trị khác (gọi là tái tạo vú trì hoãn).
Có hai phương pháp tái tạo là: dùng túi độn tuyến vú; và dùng mô tự thân (cơ, mỡ của chính người bệnh). Bệnh nhân cần được đánh giá tình trạng sức khỏe, việc điều trị trước mổ để có chọn lựa thích hợp - tái tạo tức thì, hay tái tạo trì hoãn; và phương pháp tái tạo bằng túi độn vú, hay bằng chính mô của bệnh nhân. Tái tạo vú tức thì áp dụng cho bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tốt, không có bệnh nội khoa đi kèm. Phương pháp tái tạo vú bằng túi độn không nên áp dụng cho bệnh nhân có kế hoạch xạ trị sau mổ vì có nhiều biến chứng cho túi độn.
Hai kỹ thuật tái tạo
Phương pháp tái tạo vú bằng túi độn thường dùng trong các trường hợp tái tạo vú tức thì, dùng cho bệnh nhân có vú to, mỡ bụng ít. Sau khi đoạn nhũ bệnh nhân được đặt một túi độn vào vú và dùng cơ lưng rộng từ phía sau chuyển tới để bao phủ túi độn. Sau đó bơm nước muối sinh lý vào để kích thước vú tái tạo bằng với vú còn lại bên kia. Còn tái tạo vú bằng mô tự thân được dùng trong tái tạo vú tức thì hoặc trì hoãn. Thường bác sĩ sẽ lấy hai vạt da cơ có cuống thông dụng là vạt da cơ lưng rộng và vạt da cơ thẳng bụng để làm. Dùng vạt da cơ lưng rộng có cuống khi người bệnh có kích thước vú trung bình (vạt này phù hợp cho đa số phụ nữ trong nước). Còn vạt da cơ thẳng bụng dùng cho các trường hợp có kích thước vú to và có mỡ bụng dày.
Việc tái tạo vú không làm ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị khác sau mổ.
Thanh Tùng
Bình luận (0)