Khi phát triển TP.HCM theo hướng đa trung tâm, khu vực nội đô và đặc biệt là khu vực trung tâm TP.HCM 930 ha sẽ phải tập trung để “tái thiết” lại.
Theo ông Lê Phúc Hưng - lãnh đạo Công ty bất động sản Casa VN, nhiều năm qua, mô hình đô thị ở TP phát triển theo kiểu “dầu loang”, tự phát nên gần như các đồ án quy hoạch 1/2.000 bị phá vỡ. Tại các quận, huyện khu vực ngoại thành dù phát triển đô thị mới nhưng chỉ một số khu vực được đầu tư hạ tầng bài bản như Q.2, Q.7, phần còn lại xây dựng và phát triển rất “lôm côm”.
Đa phần các dự án nhà ở, khu dân cư hình thành nhưng hạ tầng đầu tư không đồng bộ, kết nối kém. Ngay khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) dù được tập trung nguồn vốn và có vị trí “vàng” nhưng hạ tầng cũng xây dựng rất chậm và rơi vào tình trạng mới làm xong đã lạc hậu. Khu đô thị tây bắc đã quy hoạch hàng chục năm đến nay vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”, thậm chí phải điều chỉnh lại quy hoạch. Khu đô thị cảng Hiệp Phước vẫn chưa triển khai. Trong khi đó, khu đô thị nam Sài Gòn chỉ mới phát triển được 30 - 35% diện tích. Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cũng đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch…
Riêng khu nội đô mấy chục năm qua hạ tầng vẫn không có gì thay đổi trong khi cứ 5 năm TP lại tăng thêm 1 triệu dân. Hiện TP đang là một siêu đô thị với dân số thực tế hơn 13 triệu dân, đối mặt với nhiều vấn nạn như kẹt xe, ngập nước...
Do đó, theo ông Lê Hoàng Châu, khi TP.HCM chọn giải pháp phát triển theo mô hình đa cực, thì TP.HCM đã trở thành đô thị lõi, trong đó đặc biệt là các quận nội thành sẽ trở thành mắt xích lớn trong chuỗi đô thị. Chính vì vậy, cần phải tái thiết đô thị cũ, để làm động lực phát triển các khu đô thị mới.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã từng khẳng định TP trong đồ án quy hoạch mới sẽ kế thừa đồ án cũ trong đó vấn đề tái thiết, tái phát triển khu trung tâm, nhất là khu trung tâm hiện hữu rộng 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được ưu tiên.
Trong quy hoạch chung lần này, TP sẽ tập trung quy hoạch và phát triển không gian ngầm để khai thác không gian dưới mặt đất, phục vụ người dân, phát triển kinh tế; tạo không gian bố trí các chức năng hạ tầng kỹ thuật dưới mặt đất để dành quỹ đất phía trên làm nguồn lực phát triển. Một số khu vực sẽ được quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm, các khu vực dự kiến phát triển nhiều công trình cao tầng có khả năng kết nối phần hầm, hình thành các trục đi bộ ngầm.
Một số địa điểm có thể phát triển không gian ngầm như khu vực Tân Cảng, Ba Son, cảng Sài Gòn, Sân vận động Hoa Lư, các công viên 23.9, Lê Văn Tám, Tao Đàn, Công trường Quốc tế, chợ Bến Thành, đường Tôn Đức Thắng - công viên Bạch Đằng... Trong khi đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm được định hướng phát triển không gian ngầm với chức năng làm bãi đậu xe công cộng, kết nối ngầm giữa tầng hầm các công trình thành tuyến kết nối với nhà ga metro ngầm.
Bình luận (0)