Tài tử làng Nho: Dan díu hai mùa mới cũ

11/01/2023 07:52 GMT+7

Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi.

(Tản Đà - Tống biệt)

Cuộc đời của Tản Đà, dù có những năm tháng đắc ý nhưng nhìn chung là những điều không được như ý và cả những đổ vỡ, trái ngang kéo theo suốt cả kiếp người. Con người vốn đầy tự tin, ngông nghênh ấy phải triền miên đối diện với những mệt mỏi, đắng cay. Nỗi sầu bàng bạc, đeo đẳng trong thơ văn Tản Đà một phần đến từ những trải nghiệm nghiệt ngã như vậy.

Tản Đà sống và làm thơ, viết báo trong một xã hội giao thời giữa mới và cũ, các giá trị truyền thống có nguồn cội từ lâu đời bắt đầu bị lung lay trước những giá trị mới, đặc biệt là giá trị và sức mạnh của đồng tiền. Thế nhưng, Tản Đà trước sau giữ vẫn cốt cách của một nhà nho tài tử, một bậc trượng phu đầy hào sảng, phóng túng và nhiều lúc ngông nghênh. Vô số những giai thoại về ông đều xoay quanh cái cốt cách khác thường nhưng vô cùng đáng quý này giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn, tranh đoạt, đua chen.

Bia mộ nhà thơ Tản Đà (làng Khê Thượng, xã Sơn Đà, H.Bất Bạt, Hà Nội)

Trần Mai Hường

Năm 1941, hai năm sau ngày Tản Đà tạ thế, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết về ông những dòng đầy tôn kính và xúc động, rồi trân trọng đặt ở những trang đầu cuốn Thi nhân Việt Nam:

“… Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa... với chúng tôi, tiên sinh vẫn là một bậc đàn anh... Tiên sinh còn giữ được của thời trước cái phong thái vững vàng, cái cốt cách ung dung... Tiên sinh đã đi qua giữa cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 với tấm lòng bình thản một người thời trước... những cảnh éo le thường phô bày ra trước mặt không làm bợn được linh hồn cao khiết của tiên sinh. Cái dáng điệu ngang tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên sinh không có vẻ vay mượn. Cái buồn chán của tiên sinh cũng là cái buồn chán của một người trượng phu…”.

Gần 90 năm trôi qua, kể từ ngày Tản Đà giã từ cõi thế, trong mắt những kẻ hậu sinh, nhà thơ của miền quê sông Đà, núi Tản như thể một bậc trích tiên. Những năm cuối đời, trong khi phải chịu nhiều cảnh tình bi đát, Tản Đà lại được mọi người, trong đó có cả những nhân vật dẫn đầu về lý luận và sáng tác của các nhà thơ mới, nhận ra những điều tốt đẹp, đáng quý của thơ văn và con người ông.

Không còn những lời đả kích, mỉa mai, đã tắt đi những ngộ nhận xô bồ, giới văn nghệ bắt đầu lật lại những gì Tản Đà đã viết. Họ ca ngợi, xem ông như một bậc tiên chỉ của làng thơ. Tờ Ngày Nay của nhóm Tự Lực văn đoàn, trước kia chê ông thậm tệ, lại trân trọng mời ông cộng tác, hết lời ca ngợi những bài thơ Đường do ông dịch. Mà quả thật, những bài thơ Đường được Tản Đà dịch ra thơ lục bát đã làm mờ đi nhiều bản dịch khác của những người cùng thời và trước đó. Những bản dịch Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu), Phong Kiều dạ bạc (Trương Kế); Trường Hận ca (Bạch Cư Dị, dịch ra thể song thất lục bát)… cho đến nay vẫn làm say mê giới thưởng ngoạn Đường thi, vốn rất khắt khe về câu chữ.

Tạp chí Tao Đàn, số đặc biệt về Tản Đà, tháng 7.1939

TƯ LIỆU

Nhớ lại thời điểm năm 1916, cuốn sách đầu tiên của Tản Đà là tập thơ Khối tình con I xuất bản, gây tiếng vang lớn trên văn đàn đến mức Đông Dương tạp chí phải mở riêng một mục là Tản Đà văn tập chuyên đăng tải văn của ông. Sau thành công đó, ông viết liền cuốn Giấc mộng con (1917) và một số vở tuồng Người cá, Tây Thi, Dương Quý Phi, Thiên Thai (diễn lần đầu năm 1916 tại Hải Phòng).

Thơ Tản Đà đa dạng về đề tài, phong phú về cảm xúc, diễn tả cảm giác của người say, chán ngán đời thực, đắm chìm trong cõi mộng, những mối tình với người tri kỷ xa xôi. Không nhiều, nhưng cũng có những bài mang tính ẩn dụ, ngầm thể hiện thái độ phê phán hiện thực.

Tản Đà thường sáng tác thơ theo thể cổ phong, Đường luật, Đường luật phá thể, lục bát, song thất lục bát. Ông còn có tài sáng tác thơ dựa trên từ khúc, một hình thức âm nhạc của Trung Hoa. Những bài Tống biệt, Cảm thu tiễn thu nhờ sự phá cách, phối hợp nhiều thể loại thơ, có thể coi là cách tân về hình thức khá táo bạo. Tản Đà cũng là người sáng tác những bài hát nói nổi tiếng, có thể sánh ngang với Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Cao Bá Quát…

Mối tình của cha ông là Nguyễn Danh Kế và bà mẹ ca nương Nhữ Thị Nhiêm chính là sự hiện thân sinh động của đôi nam nữ giai nhân - tài tử. Vì vậy, những bài hát nói của Tản Đà luôn thể hiện một triết lý sống phóng khoáng, một tâm hồn hay mơ mộng, hoài cổ, man mác nỗi sầu nhân thế.

Thơ Tản Đà là thứ thơ có bản lĩnh, bản sắc riêng, không lẫn vào đâu được. Thơ Tản Đà vừa có phong vị cổ thi vừa có cảm xúc hiện đại. Ông là nhà thơ đã có tư tưởng cách tân, có nhiều tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ mà bài Tống biệt là một ví dụ rất rõ:

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,

Suối tiễn, oanh đưa, luống ngậm ngùi.

Nửa năm tiên cảnh,

Một bước trần ai.

Ước cũ, duyên thừa, có thế thôi!

Đá mòn, rêu nhạt,

Nước chảy, huê trôi.

Cái hạc bay lên vút tận trời!

Trời đất từ nay xa cách mãi.

Cửa động,

Đầu non,

Đường lối cũ,

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi.

Trong thời buổi mà lối thơ niêm luật gò bó đang còn phổ biến, thì lối thơ như bài Tống biệt này của Tản Đà quả thật là rất mới. Chính cái sự mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ ấy đã tạo nên một giọng điệu phóng túng riêng cho dù ông chưa phải là một nhà thơ mới như các nhà thơ mới lớp sau ông.

Và chính điều ấy mới trở thành độc đáo Tản Đà - người dan díu đầy duyên nợ giữa hai mùa mới cũ.

Tài tử làng Nho

Tài tử lụy tình

Chí lớn, hồ rượu và con mắt mỹ nhân

Từ quan ra lính - từ lính thành quan

Mang ả đào lên cửa Phật

Vạn dặm sứ trình

Ông tổ nhiếp ảnh Việt Nam

Mang đời mình ra chơi

Tế sống vợ để tỏ lòng

Tửu đồ thi sĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.