Tài tử làng Nho: Mang ả đào lên cửa Phật

05/01/2023 06:52 GMT+7

Nguyễn Công Trứ nổi tiếng mê hát ả đào từ thuở còn trẻ và cũng là tay chơi đàn đáy có hạng.

Khi Nguyễn Công Trứ còn là anh học trò nghèo, trong vùng có một ả đào tên Hiệu Thư nhan sắc xinh đẹp, lại nổi tiếng hát hay, nhưng tính nết kiêu kỳ. Nguyễn Công Trứ lân la muốn làm quen. Ông bèn nghĩ ra kế, đến xin Hiệu Thư cho làm kép đàn. Mỗi khi Hiệu Thư đi hát, ông thường cùng với một tiểu đồng quẩy gánh mang đàn theo sau.

Một hôm có đám hội ở huyện bên mời Hiệu Thư sang hát, nàng nhắn gọi Nguyễn Công Trứ mang đàn đi theo. Ông đi, nhưng bảo tiểu đồng cố ý để quên cây đàn ở nhà. Đi được vài dặm, đến chỗ đồng không, quãng vắng, Nguyễn Công Trứ giả vờ luống cuống. Hiệu Thư gạn hỏi, ông nói: “Vội vàng bỏ quên cây đàn ở nhà, bây giờ biết làm thế nào?”.

Nàng phàn nàn, rồi sai thằng bé con chạy trở về lấy đàn. Chỉ còn lại 2 người, bốn bề vắng vẻ, đợi tiểu đồng đi xa, ông liền ôm lấy nàng. Thân bồ liễu làm sao cưỡng lại sức nam nhi, mà trong lòng vốn cũng mến chàng, nên nàng miệng chỉ khẽ kêu cho qua chuyện.

Chùa Cảm Sơn (Đại Nài) nơi Nguyễn Công Trứ từng sống những ngày lui về trí sĩ

Võ Văn Tường

Sau hôm ấy, để lại một lời hẹn, chàng học trò cất bước ra đi. Năm tháng trôi qua, chàng và nàng vì nhiều lẽ, biền biệt tin nhau, bóng chim tăm cá.

Hơn mười năm sau, Nguyễn Công Trứ làm Tổng đốc Hải Dương. Gặp ngày có tiệc vui, ông rước ả đào danh tiếng các nơi về hát. Nào ngờ trong đám ca nhi ấy có Hiệu Thư.

Ngồi vào chiếu hát, ngước nhìn thấy ông quan cầm roi chầu ngồi trên sập kia chính là anh kép đàn năm xưa đã trêu ghẹo mình ở nơi đồng vắng, Hiệu Thư liền cất tiếng hát rằng:

Giang sơn một gánh giữa đồng,

Thuyền quyên…ứ hự…

anh hùng nhớ chăng?

Nguyễn Công Trứ nghe tiếng hát, nhớ chuyện xưa, lòng đầy cảm động. Hỏi ra mới biết nàng vẫn còn chờ đợi người học trò nghèo đã gửi lại cho mình một lời hẹn ước mà không chịu lấy ai. Từ hôm ấy, Hiệu Thư về dinh quan Tổng đốc.

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

Nổi tiếng ở biên thùy là một võ tướng tài ba, từng lập nhiều chiến công trong triều, ngoài nội nhưng Nguyễn Công Trứ lại là một quan văn. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838) ông được triều đình cử làm Chủ khảo trường thi Hương Hà Nội. Theo lệ, trong khu vực trường thi, có dựng nhà cho chánh phó chủ khảo và các giám khảo ở và làm việc. Việc ở trường thi thường là một tháng mới xong. Các quan đã tiến trường (vào trường) thì không được ra ngoài nữa. Ngoài cửa trường, lính của tỉnh canh gác rất nghiêm mật dưới sự đốc thúc của các quan Đề đốc, Lãnh binh.

Vốn là người mê hát, hình dung ra cảnh ru rú ở thí trường hơn một tháng trời, vắng lời ca tiếng hát, Nguyễn Công Trứ tỏ ra ngao ngán. Rồi ông nghĩ kế chọn hai ả đào trẻ tuổi làm tiểu đồng, đưa vào trường thi làm nhiệm vụ hầu hạ nghiên bút, nhân khi đêm về thì ca hát cho nghe.

Khoa ấy, Trương Quốc Dụng làm giám khảo. Ông Trương tính hay thức khuya xem sách, nhiều đêm nghe phảng phất như có tiếng hát, lấy làm lạ muốn hỏi, nhưng nghĩ không tiện lại thôi. Mãi đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), Trương Quốc Dụng giữ chức Lại bộ Thị lang trong triều, nhân gặp Nguyễn Công Trứ có việc về kinh đô, ông đem chuyện xưa ra hỏi, Nguyễn Công Trứ chỉ mỉm cười bí ẩn mà không đáp.

Năm Tự Đức nguyên niên (1848) Nguyễn Công Trứ đã 70 tuổi, về hưu trí. Một hôm có việc đi qua chùa Đại Nài (Cảm Sơn tự) tỉnh Hà Tĩnh, thấy chỗ ấy dân thuần tục tốt, sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại bỏ tiền ra mở mang ngôi chùa uy nghi tráng lệ. Ông làm mấy gian nhà tranh ở cạnh chùa để xem sách và tiếp khách. Chùa Đại Nài nằm bên đường, các quan trong kinh ngoài quận đi qua đều lên núi Nài chơi, rồi vào chùa vãn cảnh, vấn an Nguyễn Công Trứ. Vì vậy, thay vì thâm u, tịch mịch, chùa Đại Nài luôn vui vẻ, rộn ràng, ngoài cửa chùa ngày nào xe ngựa cũng tấp nập vào ra..

Nguyễn Công Trứ lại đưa về đó mấy ả đào, ngày ngày ca hát. Nhiều khi ông lên chùa cũng đem ả đào theo. Tính ông phóng khoáng, cho như thế là thường tình, dù biết miệng đời không khỏi có chuyện bàn ra, tán vào.

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dáng từ bi.

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Được mất dương dương người thái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,

Không Phật không Tiên, không vướng tục.

(Bài ca ngất ngưởng)

Bố chính Hà Tĩnh đương chức là Hoàng Nho Nhã, lúc trong phủ rảnh việc thường đến chùa cùng Nguyễn Công Trứ bàn luận văn chương, thế sự. Thấy ông phong lưu, nho nhã, họ Hoàng tặng đôi câu đối:

Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu,

Phong lưu đáo lão thế gian vô.

Hơn 50 năm sau, Phan Bội Châu lên chùa Đại Nài viếng cảnh, thấy câu đối ấy treo ở nhà Tổ lấy làm lạ mới hỏi sự tình, nhà sư thuật chuyện cho nghe, ông tấm tắc cho là một giai thoại phong lưu đệ nhất, liền làm bài thơ hoài niệm trong đó có hai câu:

Hà như Uy Viễn Tướng quân thú,

Túy ủng hồng nhi thượng pháp môn.

(Làm thế nào được thú như Uy Viễn Tướng quân,

Lúc say mang ả đào lên cửa Phật).

Đúng như lời Phan Sào Nam, tài tử mà như Nguyễn Công Trứ thật là xưa nay hiếm.

(còn tiếp)

Tài tử làng Nho

Tài tử lụy tình

Chí lớn, hồ rượu và con mắt mỹ nhân

Từ quan ra lính - từ lính thành quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.