Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, húy là Trần Duy Uyên, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Ông sinh năm 1870 tại Nam Định, mất ngày 28.1.1907, hưởng thế 37 năm.
Cuộc đời Trần Tế Xương rơi vào giai đoạn bi thương và đầy biến động của đất nước. Ba năm trước khi ông ra đời, quân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam kỳ. Khi ông lên 3, Bắc kỳ, trong đó có Nam Định quê ông, bị Pháp tấn công lần thứ nhất. Năm ông 12 tuổi, Bắc kỳ bị tấn công lần thứ hai và rơi vào tay thực dân. Với các hiệp ước Harmand (1883) và Patenôtre (1884), triều đình Huế chấp nhận quyền thống trị của Pháp trên đất VN. Các phong trào kháng chiến từ Cần Vương đến Duy Tân, Kháng thuế, Yên Thế… diễn ra sôi nổi nhưng lần lượt thất bại.
Lễ xướng danh trường thi Nam Định năm Mậu Tý (1888). Tú Xương tham dự kỳ thi này nhưng không đỗ |
tư liệu |
Xã hội VN bước vào một thời kỳ mới với những đổi thay chưa từng có: Thang giá trị cũ bị đảo lộn trong khi các giá trị mới chưa kịp định hình. Tầng lớp trí thức nho học, những người luôn nhạy cảm trước chuyển biến của thời cuộc, cả về ý thức lẫn hành động, bắt đầu quá trình phân hóa sâu sắc. Bao nhiêu câu hỏi lớn của thời đại đặt ra mà lời đáp thỏa đáng không dễ có trong một sớm một chiều. Một bộ phận những người trí thức, nhất là tầng lớp nho sĩ bình dân, xuất hiện tư tưởng hoang mang, bất định, hoặc ưu thời mẫn thế. Khoa cử và nho học vẫn còn đó nhưng đã đi dần vào ngõ tối, tân học xuất hiện bằng hình hài khác lạ với truyền thống Đông phương và giữa vô vàn những nghi ngờ. Tú Xương và bao nhiêu ông đồ, ông tú như ông lang thang trên con đường đời đầy gió mưa như vậy.
Hành trình khoa cử của ông Tú đất Vị Xuyên là minh họa oan nghiệt cho câu “học tài thi phận”. Từ khoa thi lần đầu (năm 17 tuổi, khoa Bính Tuất - 1886), rồi 2 khoa kế tiếp (Mậu Tý - 1888; Tân Mão - 1891) đều trắng tay; đến lần thứ tư (khoa Giáp Ngọ - 1894) ông mới đỗ tú tài; thêm 4 khoa nữa (Đinh Dậu - 1897; Canh Tý - 1900; Quý Mão - 1903 và Bính Ngọ - 1906) cũng chỉ là tay trắng.
Trong chế độ khoa cử, quan trường phong kiến, tấm bằng tú tài thuộc loại dang dang, dở dở. Người đỗ tú tài không được thi Hội, không được bổ làm quan, trừ một vài trường hợp hiếm hoi, tài năng xuất chúng và được tiến cử, bảo trợ như các vị tú tài Trương Quang Đản, Cao Xuân Dục…
Lỡ bước công danh, lại gặp thêm bao nhiêu ngang trái, khiến Trần Tế Xương lận đận cả đời. Nỗi đau thời cuộc, niềm bi phẫn của phận người, tất cả in đậm trong thơ Tú Xương, dù đó là thơ trào phúng, phú hoạt kê, hay thi phẩm trữ tình. Tự biến mình thành nhân vật phúng dụ, mang tâm thế tiêu biểu của một lớp người trong hoàn cảnh oái oăm của lịch sử và những méo mó của xã hội buổi giao thời, có lẽ chỉ ông là duy nhất trong văn chương Việt.
Tranh họa Tú Xương |
Ông phỗng sành là những hình nhân bằng đất nung gắn trên hòn non bộ, theo các chủ đề “ngư, tiều, canh, mục”, “bát tiên”, hay các nhân vật lịch sử, các thi nhân nổi tiếng VN, Trung Quốc. Nhiều nhà thơ thời cận đại hay tự giễu cợt, ví mình là “phỗng”, vì cách những hình nhân này giữ nguyên một tư thế, đứng hoặc ngồi, mặc cho mưa nắng phôi pha, lại bên trong rỗng ruột. Và đây là “ông Phỗng” Tú Xương:
Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành
Mắt thời thao láo, mặt thời xanh
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh
Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh
Thế mà cứ nghĩ rằng ta giỏi
Cứ việc ăn chơi chẳng học hành.
Vẽ chân dung của mình bằng cách không giống ai, Tú Xương đã dùng thủ pháp tạm gọi là trộn lẫn, kết hợp với ngoa ngôn, phúng dụ. Trộn lẫn cái hay và cái dở, cái tốt với cái xấu; biến những thú tiêu khiển trở thành trò phá phách:
Vị Xuyên có Tú Xương.
Dở dở lại ương ương.
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường
(Tự vịnh)
Chẳng phải quan chẳng phải dân
Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hóa ra đần
(Tự trào)
Đừng vội cho rằng những thói xấu hoặc những biểu hiện “ngơ ngơ ngẩn ngẩn hóa ra đần” mà ông Tú gán cho mình trên kia là có thật. Đó chỉ là cách nói, là thủ pháp. Tung hê lên mọi thứ, cố tình trộn lẫn chúng vào nhau để mọi người nhận ra những đảo điên, băng hoại, xô bồ trong xã hội.
Ẩn đằng sau nụ cười trào lộng là những dằn vặt, xót xa. Trái với cái nhìn giễu nhại, coi thường đối với đám người hãnh tiến, xu thời là sự ngưỡng mộ, kính trọng mà Tú Xương dành cho những nhà ái quốc, sẵn sàng hiến thân vì vận mệnh giống nòi, như cụ Phan Bội Châu:
Mấy năm vượt bể lại trèo non
Em hỏi thăm qua bác hãy còn.
Mái tóc Giáp Thìn đà nhuộm tuyết
Điểm đầu Canh Tý chửa phai son
Vá trời gặp hội, mây năm vẻ
Lấp bể ra công, đất một hòn
Có phải như ai mà chẳng chết?
Giương tay chống vững cột càn khôn.
(Gửi ông Thủ khoa Phan)
Tú Xương đem đời mình ra chơi, nhưng cũng là mượn đó để giễu cợt thế thời, và hơn thế nữa, che giấu tâm trạng u uất của một lớp người nặng lòng vì nước nhưng bản thân lại không tìm thấy lối ra. (còn tiếp)
Bình luận (0)