Lửa ân, dập mãi sao không tắt,
Biển ái, khơi hoài vẫn
chẳng vơi.
(Phạm Thái - Gửi cô Trương Quỳnh Như)
Phạm Thái (Phạm Đan Phượng, Phạm Phượng Sinh), hiệu Chiêu Lỳ sinh năm 1777 tại làng Yên Thị, xã Yên Thường, H.Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay thuộc H.Gia Lâm, TP.Hà Nội.
Năm 20 tuổi, Phạm Thái đi nhiều nơi để kết giao người cùng chí hướng. Ông gặp Phổ Tỉnh thiền sư (Trương Quang Ngọc), Nguyễn Đoàn rồi cùng nhau lập hội chống Tây Sơn. Mưu sự không thành, bị truy nã, Phạm Thái cắt tóc quy y ở chùa Tiêu Sơn (Tiên Sơn, Bắc Ninh), đạo hiệu là Phổ Chiếu thiền sư.
Đi tu được mấy năm, bạn ông là Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ đang làm quan ở Lạng Sơn, cho người đón ông tính chuyện phù Lê. Một năm sau, khi ông trở về Kinh Bắc thăm nhà, nhận tin Trương Đăng Thụ bị đại thần Vũ Văn Dũng đầu độc chết, thi hài đang được mang về quê an táng. Phạm Thái đến điếu tang bạn. Ở đây, ông giúp người vợ Thanh Xuyên hầu là nàng Long Cơ soạn văn gọi hồn chồng, soạn văn bia mộ Thanh Xuyên hầu và viết lời đề nhà Nghĩa Lư để giãi bày nỗi niềm thương tiếc người bạn tâm giao.
Cha Thanh Xuyên hầu là Kiến Xương hầu Trương Đăng Quỹ vì yêu đức, trọng tài, đã mời Phạm Thái ở lại nhà làm gia sư. Nhờ vậy, Phạm Thái quen được em gái Thanh Xuyên hầu là Trương Quỳnh Như. Hai người cùng xướng họa thơ văn, rồi thầm yêu nhau. Cảm phục tài thơ của Phạm Thái, Kiến Xương hầu định gả con cho ông, nhưng người mẹ không bằng lòng vì muốn gả cho một người khác. Bị ép duyên, Quỳnh Như tự vẫn. Phạm Thái quá đau buồn, bỏ đi lang bạt. Quãng đời cuối của ông là những cuộc say triền miên cùng những áng văn thương nhớ người yêu.
Ông mắc bệnh rồi mất ở Thanh Hóa năm Quý Dậu (1813), lúc mới 36 tuổi.
Phạm Thái là người tài hoa. Ông phải phiêu bạt giang hồ từ khi còn rất trẻ nên thơ văn lưu lạc khá nhiều, song chỉ với những tác phẩm còn truyền đến nay (truyện nôm Sơ kính tân trang, một số bài phú, văn tế và thơ viết bằng chữ Nôm) cũng đã cho thấy tài năng kiệt xuất của Phạm Thái trên lĩnh vực văn chương. Ông còn là người có tri thức sâu rộng về tướng số, y lý, thành thạo đến vượt trội về cầm kỳ thi tửu - những thú phong lưu theo quan niệm của giới nho sĩ đương thời. Nhưng điều mà hậu thế quý trọng và yêu mến Phạm Thái chính là trong những áng văn ấy đã bộc lộ ở ông một tâm hồn nồng nàn say đắm và khao khát yêu đương.
Trong văn học truyền thống của nước ta, dù là bình dân hay bác học, đề tài tình cảm nam nữ vẫn luôn được ưa chuộng trong giới sáng tác cũng như giới thưởng ngoạn. Từ điệu hò, câu hát chốn nông tang đến những bài thơ, khúc ngâm của các nhà nho, tình cảm luyến ái vẫn luôn được thể hiện, khi bằng câu chữ trực diện, công khai, khi ẩn sau những hình ảnh kín đáo, mỹ lệ.
Bìa sách Phạm Thái toàn tập. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2019 |
Đến thế kỷ 18, văn học VN phát triển về cả chất và lượng. Nhiều tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm viết về tình cảm nam nữ mang những nội dung mới lạ, khởi sắc, xuất hiện ngày càng nhiều hơn như Phan Trần, Tống Trân Cúc Hoa, Nhị Độ Mai, Bích Câu kỳ ngộ, Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm… Bước qua nửa đầu thế kỷ 19, xuất hiện kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên, các nhà văn, nhà thơ giai đoạn này khi viết về tình yêu, đa số chỉ mượn những chuyện đã lưu hành trong dân gian hay những mối tình trong thơ văn của Trung Hoa rồi phô diễn lại, nhân thể gửi gắm thêm ít nhiều tâm tình. Gần như không có ai đem những cuộc tình riêng của mình diện kiến cùng người đọc, dẫu đó là ngọt ngào, hạnh phúc hay cay đắng, đau thương.
Phạm Thái là một trường hợp gần như duy nhất trong số các tác gia nổi tiếng thời kỳ này. Ông đem chuyện tình của chính ông viết thành truyện thơ Sơ kính tân trang. Tình cảm nam nữ trong thơ và trong đời thực của Phạm Thái vượt khỏi vòng lễ giáo khắt khe của xã hội phong kiến. Mối tình của ông và Trương Quỳnh Như là biểu hiện sâu đậm của sự khát khao tự do trong tình yêu và hôn nhân:
Lửa ân, dập mãi sao không tắt,
Biển ái, khơi hoài vẫn chẳng vơi.
Đèn nguyệt trong xanh,
mây chẳng bợn,
Xin soi xét đến tấm lòng ai.
(Gửi cô Trương Quỳnh Như - bài 2)
Rồi khi Trương Quỳnh Như tự vẫn, bài văn tế ông đọc trước nấm mộ nàng với đôi hàng lệ lại cho thấy mối chung tình sâu sắc, mặn nồng của đôi lứa yêu nhau:
Ôi! Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sả (sã), những như thân giá ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ nhưng tình duyên ấy, cũng là một chút cương thường: dầu rằng kẻ ấy lạ người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự. Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên: mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa buông xuôi tính mạng.
(Văn tế Trương Quỳnh Như)
Phạm Thái là một trong những tác gia cách tân mạnh mẽ thơ trữ tình trường thiên bằng chữ Nôm, đưa thể thơ này trở nên uyển chuyển, sinh động, chuyển tải nhiều cung bậc tình cảm. Nguyễn Tử Mẫn (1810 - 1901) nhận xét: “Ban đầu tôi đọc tập Sơ kính tân trang, cho là thơ văn của ông chỉ có nguyên đấy, nhưng sau lại được đọc nhiều bài khác, mới biết ông là bậc toàn tài. Người xưa nay như ông thực hiếm có”.
(còn tiếp)
Bình luận (0)