Ngày 16.3, Công an Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự Lê Tiến Dũng (37 tuổi, trú tại Nam Định) để điều tra hành vi chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng.
Từ vụ tài xế gây tai nạn hàng loạt ở Hà Nội: Người dân có được truy đuổi, đập kính khống chế?
Dũng là tài xế xe bán tải, đỗ xe tại nơi bị cấm trên phố Trương Định vào chiều 15.3. Khi tổ công tác Công an P.Trương Định (Q.Hai Bà Trưng) kiểm tra, xử lý, Dũng không chấp hành, lùi xe bỏ chạy, gây hư hỏng xe ô tô của công an phường.
Trên đường bỏ chạy, Dũng tông vào 5 xe máy và 1 xe tải. Nhiều người dân đã truy đuổi, dùng mũ bảo hiểm và vật cứng đập vỡ kính ô tô, khống chế Dũng.
Ngay sau đó, lực lượng công an có mặt, phối hợp với người dân bắt giữ Dũng. Kết quả kiểm tra cho thấy nam tài xế dương tính với chất ma túy.
Vụ việc đang được dư luận quan tâm, bởi sự manh động của tài xế Dũng. Nhiều ý kiến cũng thắc mắc rằng, việc truy đuổi, đập vỡ kính xe để khống chế Dũng, của một số người dân trong trường hợp này có phù hợp?
Tình thế cấp thiết nên không phải bồi thường?
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho rằng căn cứ thông tin cơ quan công an cung cấp, có thể thấy hành vi của tài xế xe bán tải là vi phạm pháp luật; vì thế người dân đập kính để khống chế là cần thiết và hợp pháp.
Sau khi gây hư hỏng xe công vụ, Lê Tiến Dũng bỏ chạy và gây ra hàng loạt vụ va chạm khác; người này còn dương tính với ma túy. Với bối cảnh đó, nếu không ngăn chặn kịp thời, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông có thể sẽ tiếp tục bị xâm phạm.
Xem nhanh 12h ngày 17.3: Cập nhật vụ cháy bãi xe ở Bình Thuận | Người dân có được quyền truy đuổi ‘xe điên’?
Thậm chí, trong tình trạng mất kiểm soát do tác động của chất ma túy, tài xế có thể gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và người đi đường.
Việc người dân đập kính xe, lôi người này xuống để cơ quan chức năng bắt giữ là tình huống bắt người phạm tội quả tang, có thể xem là tình thế cấp thiết, không phải là tội phạm.
Điều 23 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: "Tình thế cấp thiết" là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
Điều 24 bộ luật này cũng nêu rõ: hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
Như vậy, trong quá trình bắt giữ tài xế xe bán tải, người dân có thể gây ra thiệt hại về sức khỏe, tài sản của tài xế này (khi không còn cách nào khác) để ngăn chặn hậu quả cho xã hội. Đó là hành vi hợp pháp, sẽ được loại trừ trách nhiệm, không phải bồi thường thiệt hại.
Không nên tự ý truy đuổi vì rất nguy hiểm
Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, đánh giá hành vi ngăn chặn tài xế xe bán tải của người dân xuất phát từ mục đích tốt, nhưng cũng có một số vấn đề cần lưu ý.
Thứ nhất, tài xế bán tải đang trong trạng thái mất kiểm soát, bằng chứng là tông xe công an và hàng loạt xe khác. Tình huống này là rất nguy hiểm, việc người dân tự ý truy đuổi tiềm ẩn rủi ro về an toàn tính mạng, sức khỏe.
"Trường hợp không may, quá trình truy đuổi mà xảy ra tai nạn, người truy đuổi bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề", luật sư Hùng nói.
Theo luật sư, người dân nên hỗ trợ bằng cách sơ cứu, giúp đỡ các nạn nhân (nếu có) bị ảnh hưởng từ các vụ va chạm do tài xế xe bán gây ra. Việc truy đuổi chỉ nên thực hiện khi người dân có đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho bản thân.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 16.3
"Nên để cơ quan chức năng truy đuổi, ngăn chặn, vì họ có đầy đủ nghiệp vụ, công vụ, hoặc thông qua hệ thống camera giám sát trích xuất dữ liệu", vị luật sư nói.
Thứ hai, hình ảnh vụ việc cho thấy vị trí tài xế xe bán tải bị chặn bắt là ở đường Vành đai 3 trên cao - dành riêng cho ô tô lưu thông, nhưng một số người đi xe máy vẫn đuổi theo. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm mà còn có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Từ những phân tích đã nêu, luật sư Hùng khuyến cáo người dân có quyền ngăn chặn hành vi vi phạm do người khác gây ra, nhưng trước hết phải bảo đảm an toàn cho bản thân, không vượt quá giới hạn cho phép, tuân thủ quy định pháp luật.
Bình luận (0)