Tài xế GrabBike cả ngày lòng vòng khắp Sài Gòn kiếm tiền, nửa đêm đi chạy thận

15/10/2020 18:34 GMT+7

Để có thời gian chở khách, anh Tú (tài xế GrabBike) phải dậy từ 3 giờ sáng đi chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Cuộc sống khó khăn, nhiều khi không có tiền thuê nhà trọ, hai vợ chồng phải ngủ luôn ở hành lang bệnh viện.

Vừa cưới vợ được vài tháng, anh Lê Thanh Tú (37 tuổi, quê Vĩnh Long, hiện là tài xế GrabBike) phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận suốt 12 năm qua. Cũng là từng đó năm chị Nguyễn Thị Kim Thư (vợ anh Tú, 36 tuổi, quê TP.HCM) đồng hành bên chồng mà không than thân trách phận nửa lời.

Nửa đêm đi chạy thận

Năm 2008, anh Tú và chị Thư nên duyên vợ chồng. Cả hai ngày ngày cùng chia nhau xấp vé số đi bán ở dọc khu cầu Thị Nghè (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Đêm lại về ngủ nhờ trong căn nhà chật hẹp có gần chục nhân khẩu của bà ngoại ở đường Huỳnh Tịnh Của.

Cánh tay của anh Tú chi chít vết kim chích sau những lần chạy thận

Ảnh: Vũ Phượng

Khi phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối, cần phẫu thuật để bắt đầu chạy thận, anh chị chạy đôn chạy đáo nhưng không lo đủ, đành gọi về quê nhờ mẹ vay mượn. Cuộc sống nhà nông miền Tây cũng chẳng biết kiếm đâu ra số tiền chục triệu để trả nợ và lo chi phí chạy thận hằng tháng, mẹ anh Tú phải chia nửa phần đất của nhà ra bán để gửi tiền lên cho con.
Vài năm gần đây, anh Tú đổi sang làm tài xế GrabBike, chiếc xe máy cũng lại phải gọi về nhờ gia đình hỗ trợ vốn ban đầu rồi anh trả dần theo tháng. Còn vợ anh đi bán hàng cho một shop đồ bơi, được trả lương 5 triệu đồng/tháng.

Đồng hành cùng anh Tú là người vợ bao nhiêu năm tần tảo chăm sóc

Ảnh: Vũ Phượng

Để tranh thủ được thời gian chở khách, mỗi ngày anh Tú dậy từ 3 giờ sáng sửa soạn vào bệnh viện chạy thận. Đến 8 giờ 30 phút, chạy thận xong, anh ra ghế đá ngồi nghỉ mệt rồi chạy xe về.
Anh Tú tâm sự: “Hôm nào khỏe thì chạy thận xong về nhà là tôi mở app lên chạy luôn. Hôm mệt quá thì đến chiều, hoặc tối mới đi chạy, có hôm thì nghỉ luôn vì người uể oải”.
Nghề tài xế GrabBike cho anh Tú thu nhập ổn mỗi ngày từ 200 – 300 ngàn đồng, ổn hơn so với bán vé số. Trừ xăng xe, hao mòn, anh thường tích cóp lại để lo chi phí chạy thận mỗi tháng gần 4 triệu đồng (đã trừ bảo hiểm) cho chính mình.

Tầng trệt của căn nhà trọ chỉ vừa để đủ 1 xe máy. Đây cũng là nơi anh chị nấu ăn, tắm rửa, vệ sinh.

Ảnh: Vũ Phượng

Có thời gian sức khỏe bà ngoại vợ yếu, vợ chồng anh Tú sợ ảnh hưởng tới giấc ngủ của bà mỗi khi dậy thu xếp đi chạy thận nên xách đồ vào bệnh viện từ tối hôm trước. Đêm đến, vợ chồng trải miếng bìa cát tông nằm dọc hành lang. Đến giờ thì vào chạy thận, xong xuôi mới về nhà.
Chị Thư thật thà nói: “Vợ chồng tôi ngủ như vậy chắc cũng được gần 3 năm, y tá, nhân viên của khoa thận nhân tạo quen mặt luôn. Nhiều đoàn từ thiện vào thăm là họ lại giới thiệu trường hợp của chồng tôi. Hôm không có chồng tôi ở đó thì họ giữ giúp phần quà, hôm sau đi chạy thận họ gửi. Thấy tính tình vợ chồng hiền lành lại luôn sát cánh bên nhau nên ai cũng thương”.

Phải dùng nước tăng lực gồng sức

Người viết gặp vợ chồng anh Tú ngay sau ca chạy thận đầu ngày tại căn nhà nhỏ xíu của bà ngoại. Sở dĩ vợ chồng anh hẹn gặp tôi ở đây thay vì ở nhà trọ của mình vì “nhà trọ quá nhỏ, không đủ chỗ cho 3 người ngồi nói chuyện”.
Tôi cũng không tin được là anh chị lại ở trọ trong một căn nhà chật hẹp đến như vậy cho đến khi được cả hai dẫn sang tận nơi. Căn nhà chỉ tầm 1m bề dọc, 2m bề ngang. Mở cửa vào là đụng ngay bồn cầu, cũng là nơi tắm rửa, không vách ngăn, đồ đạc chất ngổn ngang.

Nhiều khi mệt quá, anh Tú không dám uống nước vì sợ tràn dịch màng phổi. Cực chẳng đã anh mới dám nhấp một ngụm nước tăng lực

Ảnh: Vũ Phượng

Bước lên một cầu thang thẳng đứng là căn gác gỗ, cũng chất đầy đồ đạc, tối ngủ chỉ nằm vừa đúng hai vợ chồng. Anh Tú cười nói: “Tối tôi dắt chiếc xe vô là phía dưới khỏi cục cựa gì luôn. Nhà này 900 ngàn một tháng, điện nước nữa là hơn 1 triệu, có chật nhưng vợ chồng tôi cũng chỉ ngủ thôi, ngày thì ngồi ké bên nhà ngoại cho thoáng, dù nhà ngoại cũng không rộng hơn là bao nhiêu”.
Trên tay anh Tú là những cục u sau nhiều năm chạy thận, hai đường ven mới vừa đi chạy về vẫn còn được băng bó để chờ khô hẳn. Ngồi nghỉ mệt, anh Tú kể: “Nhiều hôm nắng nóng, cổ họng khô rang nhưng đến chiều mới dám nhấp một miếng nước vì sợ uống vào nước tràn màng phổi, ai bị thận sẽ hiểu. Hôm nào hoa mắt chóng mặt quá, tôi mới nhấp miếng nước tăng lực để cân bằng đường huyết rồi chạy tiếp. Có lúc đang chở khách thì nói khách thông cảm, tôi không chạy nhanh được. Khách cũng hiểu nên đa phần cảm thông, còn hỏi thăm thêm hoàn cảnh”.

Ước mơ có tiếng khóc trẻ con

6 tháng trở lại đây, chị Thư bị mất việc vì dịch. Chị đi tìm nhiều việc mới nhưng không ở đâu nhận vì chị đã bước sang tuổi 36. Từ đó, cuộc sống vợ chồng lại càng thêm chật vật hơn, may nhờ có chị họ biết hoàn cảnh cho ăn nhờ ngày 2 bữa cơm.
Chị Thư bộc bạch: “Gia đình tôi thương anh Tú dữ lắm. Nói tôi phải đồng hành bên ảnh chứ không được để ảnh một mình. Mà chồng mình sao mình để một mình được, có ra sao thì vẫn là chồng mình mà”.
Nói rồi chị Thư kể tiếp, hồi anh Tú vừa phát hiện bệnh, bí bách vì không có tiền, lại sợ làm khổ vợ nên anh hằn học đòi đuổi vợ đi để anh uống thuốc tự tử. Sau lần ngồi cùng anh khuyên răn, nói cho anh hiểu ý nghĩa của cuộc sống, tình cảm vợ chồng lại thêm phần sâu nặng hơn.

Căn gác vừa đủ chỗ nằm cho hai vợ chồng

Ảnh: Vũ Phượng

Biết bệnh của chồng, nhiều hôm trời nắng gắt hay bỗng dưng có mưa, chị Thư đều gọi điện thoại nhắc chồng tìm hàng quán ven đường nghỉ tạm. Công cuộc kiếm tiền là áp lực, nhưng sức khỏe vẫn là quan trọng nhất với anh chị.
Khi được hỏi về cuộc sống vợ chồng 12 năm qua, cả hai anh chị đều tươi cười nói: “hạnh phúc, vui vẻ”. Anh Tú nói thêm về ước mơ tương lai: “Vợ chồng nhiều khi ra đường thấy người ta ẵm bồng con cũng thèm có một đứa để nghe tiếng khóc trẻ con, nhưng tôi bệnh này thì không sinh được. Tôi cũng thường nói với vợ, con là trời cho, chờ ngày mình trúng số rồi đi tới bệnh viện tìm cách có con”.

Nhà trọ được thuê 900 ngàn/tháng của vợ chồng tài xế GrabBike

Ảnh: Vũ Phượng

Nghe chồng trả lời vậy, chị Thư rơm rớm nước mắt nhìn chồng nói: “Nhìn ảnh bệnh tật vậy mà vẫn phải đi làm tài xế GrabBike tôi cũng xót lắm, nhưng từ ngày ảnh đi chạy lại thấy ảnh khỏe hơn. Đôi lần tôi sợ ảnh không còn trên đời thì không biết cuộc sống của tôi sẽ ra sao. Chỉ mong trời cứ thương cho ảnh sức khỏe là điều hạnh phúc nhất với chúng tôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.