Tài xế ô tô mất việc vì bị tước giấy phép lái xe gắn máy

27/06/2024 09:28 GMT+7

Một tài xế ở Tiền Giang sau khi uống rượu lái xe máy bị tước giấy phép lái xe hạng A1. Do 2 bằng lái (ô tô và xe máy) tích hợp trong một nên người này không được cấp đổi khi giấy phép lái xe hạng B2 hết hạn.

Ngày 26.6, phản ánh với PV Thanh Niên, anh N.V.S (41 tuổi, ở xã Trung An, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết anh mất việc vì bị tước giấy phép lái xe (GPLX) gắn máy hạng A1, trong khi bằng lái hạng B2 của anh vẫn còn.

Anh S. mất việc vì 2 bằng lái được tích hợp trong cùng 1 giấy GPLX. Anh đã yêu cầu Sở GTVT Tiền Giang cấp đổi vì sắp hết hạn nhưng sở này từ chối.

Tài xế ô tô mất việc vì bị tước giấy phép lái xe gắn máy- Ảnh 1.

GPLX tích hợp của anh S. sắp hết hạn ở hạng B2

B.B

Cụ thể, tối 21.4, anh S. đi nhậu cùng bạn bè, trên đường về, anh bị lực lượng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và bị tước GPLX hạng A1 với thời gian 23 tháng.

Sau khi chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, anh S. cầm quyết định này cùng hồ sơ sát hạch GPLX đến Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang làm thủ tục xin cấp đổi GPLX hạng B2 (do GPLX hạng B2 của anh hết hạn vào ngày 28.7.2024). Tuy nhiên, người tiếp nhận hồ sơ cho biết trường hợp của anh S. không cấp đổi được, do GPLX tích hợp của anh đang bị tạm giữ.

Trong khi theo quy định, quá thời hạn đổi GPLX hạng B2 từ 3 tháng đến dưới 1 năm thì phải thi lại lý thuyết và nếu quá hạn cấp đổi trên 1 năm phải thi lại lý thuyết lẫn thực hành. Như vậy, căn cứ theo thời gian (23 tháng) anh S. bị tước GPLX hạng A1 thì khi anh nhận lại GPLX tích hợp lúc này GPLX hạng B2 đã hết hạn cấp đổi hơn 1 năm, phải thi lại cả lý thuyết lẫn thực hành.

"Từ ngày bị tước GPLX hạng A1 thì tôi không mưu sinh bằng nghề tài xế xe ô tô được nữa, mất nguồn thu nhập duy nhất. Lẽ ra, bằng lái nào ra bằng nấy, tước bằng A1 thì B2 có liên quan gì đâu", anh S. nói.

Sở GTVT nói gì?

Trao đổi với PV Thanh Niên về câu chuyện của anh S., ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, cho biết trường hợp như anh S. bị vướng rất nhiều, do theo quy định từ năm 2015 đã cho tách GPLX tích hợp, nhưng anh S. đã không làm thủ tục tách. Hiện nay, rất nhiều người bị vướng như anh S., nhưng theo quy định (khoản 5 điều 81 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) thì không thể cấp đổi vì GPLX đang bị cơ quan chức năng tước quyền sử dụng.

Cụ thể, Sở GTVT Tiền Giang áp dụng theo Công văn 7633 của Bộ GTVT gửi trả lời thắc mắc của một số Sở GTVT về việc tách đổi GPLX tích hợp khi GPLX mô tô bị lực lượng chức năng tạm giữ.

Tài xế ô tô mất việc vì bị tước giấy phép lái xe gắn máy- Ảnh 2.

Sở GTVT Tiền Giang áp dụng theo Công văn 7633 của Bộ GTVT gửi trả lời thắc mắc của một số Sở GTVT về việc tách đổi GPLX tích hợp khi GPLX mô tô bị lực lượng chức năng tạm giữ

T.L

Theo Công văn số 7633 do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký, tại khoản 3 điều 33 Thông tư số 12/2017/TT BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định: Người đã có GPLX tích hợp của GPLX có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách GPLX thì làm thủ tục tách GPLX theo quy định tại điều 38 của Thông tư này.

Tại khoản 5 điều 81 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định: "Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép chứng chỉ hành nghề".

Vì vậy Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT thực hiện theo đúng quy định tại khoản 5 điều 81 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ.

Do đó, hiện Sở GTVT Tiền Giang chưa thể giải quyết cấp đổi cho trường hợp anh N.V.S mặc dù sở này cũng xác định rõ GPLX hạng B2 của anh S. không bị tước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.