(TNO) Hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt tại Thừa Thiên Huế gần như bị ngưng trệ hoàn toàn vào sáng nay 7.5 do các tài xế bãi công.
Các tài xế và phụ xe buýt đình công tại Bến xe phía Nam TP.Huế trong sáng 7.5 - Ảnh: Bùi Ngọc Long
|
Sáng nay 7.5, khoảng 70 tài xế và phụ xe buýt của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Đức (TP.Huế) đã đồng loạt bãi công tại Bến xe phía Nam TP.Huế, để phản đối doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ cam kết với người lao động.
Vụ bãi công đã khiến hoạt động đi lại của hàng nghìn hành khách đi xe buýt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế bị trở ngại. Tại rất nhiều trạm chờ xe buýt trên địa bàn tỉnh có rất đông hành khách khổ sở chờ xe buýt nhưng chờ mãi vẫn không có xe.
Một tài xế xe buýt cho biết, mỗi ngày 1 xe buýt phục vụ vận chuyển khoảng hơn 200 lượt khách, với 32 đầu xe thì sẽ có hàng nghìn hành khách bị ảnh hưởng việc đi lại do vụ đình công. “Chúng tôi biết việc bãi công ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nhưng nếu không làm thế thì không biết bao giờ quyền lợi của chúng tôi mới được công ty giải quyết”, tài xế này trình bày.
Đại diện cho các tài xế và phụ xe đình công cho biết, trước đây, khi còn thuộc quản lý của Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý bến xe Thừa Thiên- Huế, họ được hưởng lương cao và được bảo đảm đầy đủ các chế độ. Cách đây hơn 1 tháng, khi tỉnh Thừa Thiên- Huế chủ trương xã hội hóa xe buýt, Công ty Hoàng Đức trúng thầu. Từ đó, công ty này tiếp nhận 59 tài xế và phụ xe từ Công ty Quản lý bến xe Thừa Thiên- Huế, đồng thời tuyển mới thêm 10 tài xế và phụ xe khác để hoạt động.
Tuy nhiên, từ ngày làm việc cho Công ty Hoàng Đức đến nay, người lao động vẫn chưa được ký hợp đồng, chưa được đóng các khoản bảo hiểm. Trong khi đó, mức thu nhập của người lao động hàng tháng thấp hơn nhiều so với nơi làm việc cũ.
“Tại nơi làm việc cũ, thu nhập mỗi tháng của tài xế như tôi hơn 6 triệu đồng nhưng khi chuyển qua Công ty Hoàng Đức thu nhập của tôi chỉ còn hơn 4 triệu đồng, trong khi tôi phải làm việc từ 5 giờ 30 phút đến 19 giờ mỗi ngày. Mặt khác, do chưa được ký hợp đồng và đóng bảo hiểm nên khi ốm đau chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, người tài xế này bức xúc.
Sau khi vụ bãi công xảy ra, đại diện Công ty Hoàng Đức và Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên- Huế có mặt để thuyết phục được các tài xế, phụ xe tiếp tục chạy xe. Tuy nhiên, đến gần 10 giờ cùng ngày, hàng chục xe buýt của công ty Hoàng Đức vẫn đậu tại bến xe do tài xế chưa chịu làm việc vì họ cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp coi thường quyền lợi người lao động và có thái độ thách thức khi các tài xế và phụ xe bãi công.
Ông Hoàng Đức Hoài, Giám đốc Công ty Hoàng Đức cho biết, các tài xế và phụ xe chưa được ký hợp đồng và hưởng các chế độ theo quy định là do họ mới chỉ vào làm việc 1 tháng. Khi hoạt động ổn định, người lao động của công ty sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định.
Giải thích của ông Hoài không được các tài xế và phụ xe bãi công chấp nhận vì họ cho rằng DN đã cố tình “lạm dụng” sức lao động của họ mà không chịu thực hiện nghĩa vụ ký hợp đồng theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi là lao động được chuyển tiếp chứ không phải mới vào làm, nên phải được ký hợp đồng và đảm ảo các quyền lợi khác theo quy định. Họ nói khi nào ổn định mới ký, xe vẫn chạy hàng ngày sao lại nói hoạt động chưa ổn định. Không có hợp đồng rồi ít bữa họ tuyển người khác vào thì chúng tôi mất việc à”, một tài xế bức xúc.
Bình luận (0)