Chiều muộn 28.6, khu chợ An Đông, một trong những chợ có quy mô lớn tại Q.5, vắng vẻ lạ thường. Gần cả tháng nay, chợ An Đông tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị của UBND TP.HCM và chỉ cho mở cửa khu vực bán thực phẩm thiết yếu.
Ký ức những ngày hàng hóa nhộn nhịp ở chợ An Đông trước dịch Covid-19
Gần 30 năm chạy xe ôm ở khu vực chợ An Đông, chưa khi nào ông Nguyễn Văn Thành (ngụ Q.6, TP.HCM) phải chật vật kiếm tiền như thời điểm hiện tại. Chợ An Đông đóng cửa, những người chạy xe ôm như ông Thành cũng vì thế mà mất đi lượng khách vãng lai và những mối chở hàng.
Trong ký ức của ông Thành, khu chợ An Đông những ngày còn hoạt động thường đông khách tới lấy hàng mang về các tỉnh khác bán. Khách tới lấy hàng từ khắp các tỉnh Tây nguyên, miền Tây với số lượng hàng hóa lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ lượng khách và lượng hàng hóa lớn, ông Thành và những tài xế xe ôm ở khu vực chợ An Đông luôn có đồng ra đồng vào sau những cuốc xe. “Chở hàng ra bến xe, bao lớn thì trăm ngàn, bao nhỏ thì tám chục. Mỗi ngày, ít cũng kiếm được trăm rưỡi, nhiều thì được hai, ba trăm”, ông Thành nhớ lại.
Bên cạnh đó, nhiều người trong vùng cũng thường tới chợ An Đông mua sắm nên ngoài chở hàng ông còn có thể "bắt" được khách lẻ. “Chạy ở đây nhờ cuốc xe, nhờ bạn hàng nhưng bây giờ thì hết rồi”, ông Thành buồn bã nói.
Chợ An Đông đóng cửa, các cửa hàng ở khu vực quanh chợ cũng đóng cửa nên nhiều khi đứng từ sáng sớm tới chiều tối cũng không kiếm được cuốc xe nào. Nhiều người chạy xe ôm khu vực chợ An Đông cũng nghỉ hoặc đi tìm vị trí khác, còn ông vẫn Thành ở đây vì đã quen chỗ.
Ăn uống tạm bợ chờ ngày hết dịch
Chiếc xe máy cũ gắn bó với ông Thanh từ những ngày đầu làm nghề tới nay cũng đã bắt đầu dở chứng, muốn hỏng. “Đem ra thợ nói cứ chuẩn bị một triệu rưỡi để sửa, với tôi thì hiện tại số tiền vậy là quá lớn, thôi thì đành cố gắng chạy được lúc nào hay lúc đó, mấy bữa hết dịch kiếm tiền rồi sửa luôn", ông Thành tâm tình.
Cả tháng nay, vì hết tiền nên nhiều bữa ông phải ăn cơm với chao. “Tiền đâu mà mua đồ, cá giờ một kí trăm mấy, nửa kí cũng năm chục ngàn rồi. Thôi, hủ chao có 10 ngàn, ăn được hai ngày”, ông Thành bùi ngùi nói.
Mặc dù vậy, ông vẫn cố gắng chạy vạy, vay mượn hết người quen, thậm chí tìm vay tiền dù phải trả lãi, để có thể trang trải những ngày khó khăn này. Và mỗi ngày, ông vẫn cố gắng mua cho vợ con ít cá, trứng.
|
Hằng ngày, ông Thành dậy từ 2 giờ sáng, xách xe chạy ra chợ với hy vọng kiếm được đồng nào hay đồng đó, bởi vì sau lưng ông còn gánh cả gia đình. Ông có thể ăn chao nhưng cũng ráng kiếm cho vợ con được miếng thịt, miếng cá. "Mình đang chịu đựng được, mình ăn chao, rồi ráng kiếm hai, ba chục ngàn mua cá, mua hột vịt chiên cho con ăn. Chứ con còn nhỏ, không thể ăn chao được”, ông Thành chia sẻ.
“Mình còn sức khỏe, gắng được ngày nào hay ngày đó, khổ thì có khổ thật nhưng có nhiều người còn khổ hơn mình”, ông Thành chia sẻ thêm.
Hơn 18 giờ, ông Thành lật đật nổ xe rời chợ. Hôm nay, ông về nhà và mang một chiếc máy may cũ, ông mua với giá 50.000 đồng mà không rõ còn dùng được không. Ông định bụng nếu còn dùng được thì đưa vợ dùng để khâu vá tạm, còn không thì đem bán ve chai.
Bác tài xế xe ôm ở chợ An Đông này chỉ hi vọng mỗi ngày có đủ sức khỏe, để ngày mai vẫn có thể tiếp tục chạy xe. Ông Thành có niềm tin dịch bệnh sớm được kiểm soát và chợ An Đông sẽ hoạt động trở lại. Khi đó ông mới đỡ lo việc chạy ăn mỗi ngày.
Bình luận (0)