Tài xế xe ôm công nghệ được vay ưu đãi nếu chuyển từ xe xăng sang xe điện?

01/11/2024 17:12 GMT+7

Các chuyên gia đề xuất cần có chính sách cho vay ưu đãi với các tài xế xe ôm công nghệ và nhân viên giao hàng, trong bối cảnh tiến tới không cho phép xe xăng đăng ký tham gia dịch vụ tài xế công nghệ và giao hàng cuối năm 2028.

Ngày 1.11, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Chính sách cho vay chuyển đổi xe điện 2 bánh cho các tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM".

Đây là hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động về chuyển đổi giao thông điện tại TP.HCM, chương trình hỗ trợ cung cấp vốn vay ưu đãi cho cá nhân là đối tác kinh doanh của công ty xe công nghệ và công ty giao hàng để họ mua sắm phương tiện xe máy điện. Hội thảo sẽ phân tích những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội để hình thành cơ chế, chính sách cho vay thích hợp có độ phủ cao đến toàn bộ tài xế xe ôm công nghệ và nhân viên giao hàng, kết hợp chính sách hạn chế xe xăng một cách khả thi, tiến tới không cho phép xe xăng đăng ký tham gia dịch vụ tài xế công nghệ và giao hàng cuối năm 2028.

Theo báo cáo của Th.S Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đơn vị đã tiến hành khảo sát 470 tài xế xe ôm công nghệ và thống kê được nguyên liệu tiêu hao của một tài xế trong 1 ngày chạy xe là khoảng 70.000 đồng cho quãng đường di chuyển trung bình từ 100 - 150 km.

Tài xế xe ôm công nghệ được vay ưu đãi nếu chuyển từ xe xăng sang xe điện?- Ảnh 1.

TP.HCM đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ tài xế xe ôm công nghệ chuyển từ xe xăng sang xe điện

ẢNH: NHẬT THỊNH

"Sử dụng dữ liệu đó và tính toán trừ đi chi phí bắt buộc cần có, chúng tôi tính toán được nếu tài xế xe ôm công nghệ chuyển từ xe xăng qua xe điện thì sẽ tiết kiệm được khoảng 680.000 đồng/tháng. Và nếu họ tiết kiệm thêm khoảng 320.0000 đồng/tháng thì chỉ trong 18 tháng, họ hoàn toàn có thể trả góp cho khoản vay mua xe (giá trị xe 24 triệu đồng trả trước 8 triệu). Trường hợp tài xế công nghệ tiết kiệm mỗi tháng nhiều hơn thì thời gian trả góp còn ngắn có thể chỉ còn 12 tháng", ông Hải phân tích.

Về vấn đề vay vốn, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP, chia sẻ trước đây, đơn vị có cho tài xế xe ôm truyền thống vay vốn, còn tài xế xe ôm công nghệ thì khá ít. Theo ông Đạt, lãi suất cho vay hiện của CEP từ 8 - 16%/năm cho nhiều đối tượng và khó khăn lớn nhất trong việc cho vay vốn là thu hồi tiền vay. Do đó, nếu triển khai cho vay tới các tài xế xe ôm công nghệ, đơn vị sẽ có một số yêu cầu nhất định để làm hồ sơ vay vốn như có nơi ở ổn định, đăng ký cư trú hợp pháp tại các địa phương có chi nhánh của CEP…

Rào cản để phát triển xe điện hiện nay là hạ tầng trạm sạc

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là phát triển mạng lưới trạm sạc cho xe điện hai bánh. Ông An Đình Nhã, Giám đốc điều hành Công ty GG Charging, cho biết phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện hai bánh ở TP.HCM không chỉ là một nhiệm vụ kỹ thuật mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, và cộng đồng. Việc này không chỉ giúp phát triển hệ thống trạm sạc mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông xanh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống trong đô thị.

Tài xế xe ôm công nghệ được vay ưu đãi nếu chuyển từ xe xăng sang xe điện?- Ảnh 2.

Ông An Đình Nhã, Giám đốc điều hành Công ty GG Charging phát biểu tại hội thảo

ẢNH: THÚY LIỄU

"Đây là câu chuyện con gà và quả trứng, xe điện sản xuất ra mà không có trạm sạc thì người dân không mua; chúng tôi sản xuất trạm sạc mà không có xe thì lại gồng lỗ. Tôi đề xuất một số giải pháp như có các chính sách cho vay ưu đãi cho tài xế xe ôm công nghệ; cần quy hoạch trạm sạc đúng vị trí, gần các địa điểm công cộng; ứng dụng công nghệ sạc nhanh và đổi pin…", ông Nhã nói.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Vương Bảo, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho biết việc đề xuất chính sách cần xác định rõ các loại đối tượng cần áp dụng. Theo ông Bảo, bên cạnh các tài xế xe ôm công nghệ, cần có quy định rõ ràng cho các công ty khai thác nền tảng như Be, Grab… Và từ đó, có thể quản lý dễ dàng hơn trong việc tính toán tín chỉ carbon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.