Theo trang The Daily Beast ngày 24.8, lực lượng Taliban, Al-Qaeda và tổ chức khủng bố Khorasan (ISIS-K) có thể đã thừa hưởng hàng trăm tên lửa đất đối không vác vai từ các kho vũ khí của chính quyền Afghanistan đã sụp đổ.
Hiện rất khó xác định được số lượng, nguồn gốc, thể loại, năm sản xuất và khả năng hoạt động của số tên lửa này.
Mối đe dọa trên không
Một báo cáo của tổ chức RAND (Mỹ) vào năm 2019 cho rằng con số này có thể lên đến 4.500 tên lửa, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây là con số hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) của chính quyền Kabul qua các thời kỳ.
Tuy nhiên, nếu một phần MANPADS rơi vào tay Taliban, Al-Qaeda hay ISIS-K sẽ là vấn đề đáng lo ngại. Hiện có thông tin một số thành phần khủng bố đã đến Kabul, trong bối cảnh Mỹ và các nước di tản người.
“Có khả năng cao ISIS-K đang cố gắng tấn công sân bay”, Đài CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cảnh báo.
Một nhà ngoại giao cấp cao ở Kabul cho hay giới chức Mỹ biết về mối đe dọa này nhằm vào người Mỹ ở sân bay Hamid Karzai, nhưng cho rằng điều đó khó có thể xảy ra sớm. Quân đội Mỹ đã thiết lập các tuyến đường thay thế đến sân bay nhằm tránh bị khủng bố.
Chưa rõ liệu các tên lửa để lại có gồm loại Stinger mà CIA cung cấp cho lực lượng thánh chiến Afghanistan để đối phó các máy bay của Liên Xô vào thập niên 1980 hay không.
Nỗi ám ảnh của biệt kích Mỹ
Sau khi xung đột chấm dứt vào năm 1989, Mỹ ráo riết mua lại các tên lửa này trên khắp thế giới. Theo báo cáo năm 2013 của Tổ chức Kiểm soát vũ khí, một số đã được mua bán trên thị trường chợ đen và rơi vào tay các tổ chức khủng bố.
Một tài liệu bị rò rỉ trên trang WikiLeaks vào năm 2010 cho rằng có nhiều thông tin về những vụ tấn công các máy bay liên minh ở Afghanistan bằng tên lửa tầm nhiệt vác vai, nhưng Lầu Năm Góc cho rằng điều này không đáng tin.
Tuy nhiên, vào năm 2016, trang War is Boring có được một số tài liệu theo Đạo luật Tự do thông tin, dường như cho thấy biệt kích Mỹ rất sợ tên lửa đối không của các nhóm cực đoan nên đã đề xuất trang bị khẩn cấp thêm về phòng vệ.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về các mối đe dọa tên lửa vác vai, nhưng cho hay Mỹ “vô cùng quan ngại về thông tin Taliban chiếm các thiết bị quân sự của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Afghanistan, và làm mọi cách có thể để đảm bảo an toàn cho các đối tác và cơ sở của họ”.
Theo phát ngôn viên này, Afghanistan từ lâu đã là một trong những khu vực nơi Lực lượng Đặc nhiệm MANPADS tích cực hoạt động. Thành lập năm 2006, lực lượng này của Mỹ có nhiệm vụ giảm thiểu mối đe dọa của MANPADS khắp thế giới.
“Đến nay, lực lượng này đã tiêu hủy hơn 41.000 tên lửa đất đối không, cũng như tên lửa dẫn đường chống tăng trên thế giới”, ông cho biết. Tuy nhiên, phát ngôn viên này thừa nhận số MANPADS ngoài vòng kiểm soát vẫn là mối lo ngại về nguy cơ đe dọa hàng không dân sự.
Vũ khí khủng bố hoàn hảo
Theo ông Derrin Smith thuộc Lực lượng Đặc nhiệm MANPADS, nếu có thì Taliban có lẽ sở hữu các hệ thống SA-7S cũ hơn của Nga/Liên Xô.
Theo tổ chức Small Arms Survey (trụ sở tại Thụy Sĩ và Mỹ), các phiên bản SA-7 nâng cấp có tầm bắn lên đến hơn 4 km và có thể bắn các mục tiêu bay cao hơn 2.280 m.
Các tay súng ở Trung Đông và Bắc Phi còn có các tên lửa FN-6 của Trung Quốc và Igla của Nga. So với SA-7 thì FN-6 có tầm bắn xa hơn và nguy hiểm hơn.
Theo ông Smith, MANPADS là vũ khí hoàn hảo cho các tổ chức khủng bố, nhờ tính gọn nhẹ, mang tính chết chóc cao, có thời hạn sử dụng lâu kể cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Bình luận (0)