Gần đây, một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh các chiến binh Taliban điều khiển một chiếc trực thăng Black Hawk - khí tài quân sự mang tính biểu tượng của Mỹ - lượn quanh sân bay Kandahar.
Chiếc trực thăng chỉ bay là là trên đường băng, nhưng đoạn video đã gửi một thông điệp mới đến thế giới: các thành viên Taliban không chỉ biết cầm súng trường AK ngồi trên những chiếc xe bán tải cũ kĩ.
Kể từ khi thủ đô Kabul của Afghanistan thất thủ vào ngày 15.8, các tay súng Taliban đã chụp hàng loạt bức ảnh khoe vũ khí và phương tiện do Mỹ sản xuất bị họ thu giữ. Những vũ khí này rơi vào tay Taliban sau khi quân đội Afghanistan đầu hàng ở hết thành phố này đến thành phố khác, theo BBC.
Điều này khiến một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng Taliban là "lực lượng vũ trang Hồi giáo cực đoan" duy nhất sở hữu không quân. Hiện Taliban vẫn còn bị một số nước coi là tổ chức khủng bố.
Taliban có bao nhiêu máy bay?
Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) có trụ sở tại Mỹ, không quân Afghanistan vận hành 167 máy bay, tính cả trực thăng tấn công, tính đến cuối tháng 6.
Tuy vậy, không rõ Taliban đã thu giữ được bao nhiêu trong số này. Hình ảnh vệ tinh của sân bay Kandahar do Planet Labs cung cấp cho BBC thể hiện một số máy bay quân sự của Afghanistan vẫn đậu trên đường băng.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 16.7 cho thấy đến 16 máy bay, gồm 9 chiếc trực thăng Black Hawk, 2 trực thăng MI7 và 5 máy bay cánh cố định. Tuy nhiên, ảnh chụp 6 ngày sau khi thành phố Kandahar rơi vào tay Taliban cho thấy 5 máy bay - ít nhất 2 trực thăng MI-17, 2 chiếc Black Hawk (UH-60) và một trực thăng có thể là UH-60. Điều này nghĩa là một số máy bay của quân đội Afghanistan đã rời khỏi nước này hoặc chuyển đến các căn cứ không quân khác.
|
Taliban cũng đã chiếm được 9 căn cứ không quân còn lại của Afghanistan, bao gồm căn cứ ở Herat, Khost, Kunduz và Mazar-i-Sharif. Dù vậy, không rõ lực lượng này thu giữ bao nhiêu máy bay do không có hình ảnh vệ tinh từ các sân bay này.
Các thành viên Taliban và truyền thông địa phương đã đăng tải hình ảnh máy bay và máy bay không người lái thu được từ các sân bay trên. Một số trang web độc lập cũng xác định vị trí một số máy bay.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số máy bay đã ra khỏi Afghanistan trước khi có nguy cơ rơi vào tay Taliban. Một chuyên gia Ấn Độ giấu tên cho biết các hình ảnh vệ tinh chụp sân bay Termez của Uzbekistan vào ngày 16.8 cho thấy hơn 20 trực thăng, bao gồm MI-17, MI-25, Black Hawk và một số máy bay cường kích hạng nhẹ A-29 và C-208.
BBC dẫn lời các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết những máy bay và trực thăng này có khả năng là của không quân Afghanistan.
Taliban còn thu được khí tài nào khác?
Năng lực không quân của Taliban vẫn là một vấn đề chưa có lời giải. Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý Taliban có khả năng dùng các loại súng, súng trường và phương tiện phức tạp. Afghanistan có rất nhiều khí tài như vậy.
Giai đoạn 2003-2016, Mỹ đã cung cấp một lượng lớn khí tài quân sự cho các lực lượng Afghanistan. Số khí tài này gồm 358.530 súng trường các loại, hơn 64.000 súng máy, 25.327 súng phóng lựu và 22.174 chiếc Humvee (xe chạy mọi địa hình), theo số liệu của chính phủ Mỹ.
|
Sau khi NATO kết thúc nhiệm vụ chiến đấu vào năm 2014, quân đội Afghanistan phải đảm bảo an ninh cho đất nước. Mỹ lúc này cung cấp thêm khí tài và thay thế các thiết bị quân sự cũ kỹ.
Mỹ đã cung cấp gần 20.000 khẩu súng trường M16 cho Afghanistan chỉ trong năm 2017. Từ 2017-2021, Mỹ chuyển ít nhất 3.598 khẩu súng trường M4 và 3.012 chiếc Humvee cùng các thiết bị khác cho lực lượng an ninh Afghanistan, theo SIGAR.
Quân đội Afghanistan còn các phương tiện tấn công cơ động, được sử dụng để triển khai lực lượng trong thời gian ngắn. Những khí tài này có thể chở người hoặc thiết bị.
Taliban có thể làm gì với số vũ khí này?
Theo BBC, điều này tùy thuộc vào loại vũ khí. Tiến sĩ Jonathan Schroden, cựu cố vấn cho lực lượng Mỹ ở Afghanistan, cho biết việc thu giữ máy bay rất dễ dàng. Song, vận hành và bảo trì mới là công việc khó khăn.
Hầu hết số máy bay trên được các nhà thầu tư nhân của Mỹ bảo dưỡng. Nhóm người này đã rời Afghanistan trước khi Taliban bắt đầu tấn công các tỉnh và thành phố vào tháng 8.
Giáo sư Jodi Vittori chuyên về chính trị và an ninh toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ) và một cựu binh không quân Mỹ từng phục vụ tại Afghanistan, đồng ý rằng Taliban thiếu chuyên môn để vận hành máy bay. Bà Vittori cũng chỉ ra rằng một số bộ phận máy bay có thể bị tháo ra trước khi quân đội Afghanistan đầu hàng.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Jason Campbell tại tổ chức Rand Corporation (Mỹ) và là cựu giám đốc phụ trách Afghanistan tại Văn phòng Chính sách của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - cho biết Taliban sẽ ép buộc các cựu phi công Afghanistan điều khiển máy bay. "Taliban có thể đe dọa các phi công này và gia đình họ. Điều này có thể giúp Taliban vận hành một số máy bay, nhưng triển vọng hoạt động lâu dài rất thấp”, ông Campbell nhận định.
Theo BBC, Taliban có khả năng vận hành các máy bay M-17 do Nga sản xuất vì những máy bay này đã tồn tại ở Afghanistan nhiều thập niên. Với các thiết bị còn lại, Taliban có thể tìm đến quốc gia khác nhờ bảo trì và đào tạo cách sử dụng.
|
Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc những vũ khí này rơi vào tay Taliban không chỉ giới hạn ở Afghanistan. Một số người lo ngại các vũ khí nhỏ có thể xuất hiện trên chợ đen, giúp ích cho các cuộc nổi dậy khác trên khắp thế giới.
Theo bà Vittori nói, đây không phải là rủi ro trước mắt. Tuy nhiên, vũ khí có thể được tuồn ra trong những tháng tới và các nước láng giềng như Pakistan, Trung Quốc và Nga có vai trò lớn trong việc ngăn chặn điều này.
Ông Campbell chỉ ra rằng Taliban dường như muốn thể hiện hình ảnh có trách nhiệm. Tuy vậy, lực lượng này khó tránh việc ủng hộ các nhóm có tư tưởng tương tự trên khắp thế giới.
Sự đoàn kết của Taliban cũng là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định cách những vũ khí này sẽ được sử dụng. Theo bà Vittori, các nhóm nhỏ bên trong Taliban có thể quyết định tách ra và mang theo vũ khí. Vì vậy, điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách các lãnh đạo Taliban quản lý lực lượng.
Bình luận (0)