Theo Spiegel, Taliban đang vấp phải sự kháng cự ở khắp Afghanistan.
Ban đầu, lực lượng phản kháng chỉ xuất hiện ở thung lũng Panjshir - khu vực những ngày gần đây gần như bất khả xâm phạm ở phía đông bắc Kabul. Người dân ở đây không khuất phục trước Taliban, dù lực lượng này đã chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan vào ngày 15.8.
Song, vài ngày gần đây, cuộc kháng chiến chống Taliban cũng bùng lên ở những nơi khác, theo các nhân chứng. Các binh sĩ Afghanistan, lực lượng đã đầu hàng Taliban, đi từ thành phố Kandahar ở phía nam và các khu vực gần Uzbekistan ở phía bắc đến Panjshir.
Ở rìa phía nam của thung lũng Panjshir, các lực lượng chống Taliban chiếm đường dẫn đến hầm Salang, con đường huyết mạch duy nhất đi từ Bắc đến Nam Afghanistan, mà không gặp phải sự kháng cự nào.
Đến ngày 22.8, lãnh đạo Taliban ở Kabul thông báo trên Twitter rằng đã đưa "hàng trăm" chiến binh đến "tỉnh Panjshir sau khi các quan chức địa phương từ chối bàn giao chính quyền một cách hòa bình". Cách diễn đạt nhẹ nhàng này cho thấy Taliban muốn tránh xung đột trực diện.
Không phải chiến dịch tuyên truyền
Những gì đang diễn ra có vẻ không hợp lý. Quân đội Afghanistan, lực lượng được Mỹ huấn luyện và trang bị trong 20 năm qua, đã đầu hàng Taliban ở hết thành phố này đến thành phố khác. Taliban thậm chí giành được Kabul mà không cần giao tranh.
Vậy mà bây giờ những tàn dư cuối cùng của chính quyền vừa bị lật đổ ở Afghanistan lại muốn tham gia cuộc chiến chống lại Taliban? Điều này nghe như câu chuyện do những người chống Taliban thêu dệt nên.
|
Tuy nhiên, theo các nhân chứng ở nhiều tỉnh khác nhau, đây là sự thật. Và chuyện này cũng không hoàn toàn vô lý vì 2 lý do.
Đầu tiên, sự thay đổi nhanh chóng trong vài ngày qua đã gieo rắc nỗi sợ hãi sâu sắc cho nhiều người. Cùng lúc đó, sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan lại mang đến động lực mới. Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani không được tín nhiệm và thậm chí bị căm ghét trên cả nước. Người Mỹ là kẻ chiếm đóng, còn chính phủ thì tham nhũng. Việc chiến đấu vì điều gì, chiến đấu chống lại ai lúc đó không còn quá quan trọng với các binh sĩ Afghanistan, Spiegel chỉ ra.
Chuyện thay đổi khi Taliban nắm quyền
Lý do thứ hai thậm chí còn quan trọng hơn. Dù đã chuẩn bị để lên nắm quyền, Taliban không đánh giá đúng ý nghĩa của việc chuyển vai trò trong một cuộc chiến bất đối xứng. Từ lực lượng chống lại nhà nước, họ giờ đây trở thành người nắm quyền. Họ phải kiểm soát mọi thành phố, mọi tỉnh và bổ nhiệm nhân sự cho mọi đồn cảnh sát, mọi trạm kiểm soát ở Afghanistan. Theo Spiegel, Taliban không có đủ nhân lực để làm vậy mặc dù ước tính cho thấy lực lượng này có khoảng 30.000-40.000 chiến binh.
Con số trên có thể đã tăng lên, nhưng cả các nguồn tin trong Taliban và các quan sát viên độc lập ở Kabul đều xác nhận việc lực lượng này thiếu nhân lực. Một người thân tín của các thủ lĩnh Taliban cấp cao cũng xác nhận lực lượng này có nguy cơ mất kiểm soát Kabul. "Có quá ít chiến binh và Taliban gần như không còn lực lượng dự bị để triển khai đến nơi khác. Các chiến binh đã chiếm rất nhiều tỉnh trong những tuần gần đây và họ phải đóng quân tại các nơi đó", Spiegel dẫn lời nguồn tin này.
Tình hình bất ổn thể hiện rõ vào ngày 19.8, dịp Quốc khánh Afghanistan. Người dân đã mang cờ Afghanistan đi biểu tình ở Kabul và nhiều thành phố khác. Taliban đã giải tán một số đám đông bằng gậy và những phát súng chỉ thiên.
|
Tại Wazir Akbar Khan, khu phố trung tâm của thủ đô Kabul, nơi có nhiều đại sứ quán, một nhóm người đã tụ tập trước Đại sứ quán Anh với hy vọng xin được thị thực hoặc một số loại giấy tờ khác. “Những người này không biểu tình”, một nhân chứng cho biết.
Số người tập trung ngày càng đông tại đường vào các đại sứ quán khiến những nhân viên an ninh Taliban trong khu vực vô cùng lo lắng. Họ có thể được trang bị vũ khí, nhưng hoàn toàn bị đám đông áp đảo. Đến 17 giờ, Taliban đã bắn chỉ thiên để giải tán nhóm người này.
Không rõ số người bị thương hay thiệt mạng trong sự cố này, nhưng gây ra thương vong không phải là ý định của Taliban. Một mặt, có vẻ như Taliban cực kỳ lo ngại các đám đông. Mặt khác, họ muốn tránh bạo lực công khai. Đây là mệnh lệnh của các chỉ huy.
Nỗi sợ của Taliban
Ở một khía cạnh nào đó, Taliban là nạn nhân của chiến thắng áp đảo của chính mình. Lực lượng này muốn củng cố chiến thắng, một phần thông qua các cuộc đàm phán với cộng đồng quốc tế. Taliban muốn được công nhận là chính phủ mới và muốn đảm bảo tiền viện trợ sẽ tiếp tục đổ về. Cho đến khi đạt được mục đích, Taliban không thể bộc lộ sự tàn bạo đã làm nên tiếng tăm của họ.
Điều này được chứng minh qua việc ngày càng nhiều thông tin cho thấy sự mềm mỏng của Taliban dần biến mất. Các cảnh sát và nhân viên tình báo ở những nơi bị Taliban chiếm giữ, những người tin vào lời hứa sẽ được tha mạng và chọn không bỏ trốn, đã bị hành quyết. Song, ở Kabul và các thành phố lớn khác, Taliban vẫn cố duy trì sự bình tĩnh.
Tuy nhiên, Taliban đang cho các nhóm chống lại mình thêm thời gian chuẩn bị khi làm vậy.
|
Nhiều ngày qua, các sứ giả của Taliban đã đàm phán với Ahmad Massoud, con trai "mãnh sư của Panjshir" Ahmad Shah Massoud. Ông Massoud là người đầu tiên ngăn Liên Xô tiến vào thung lũng Panjshir và sau đó là Taliban trước khi bị sát hại vào năm 2001.
Theo các cựu sĩ quan quân đội quen thuộc với những cuộc đàm phán ở thung lũng Panjshir, Taliban dường như không muốn xung đột trực diện vào thời điểm này. Tuy nhiên, do quan điểm hai bên quá khác biệt, rất khó để Taliban đạt được thỏa thuận với các lực lượng ở Panjshir.
Các cựu sĩ quan này cũng cho biết số binh lính được huấn luyện và các dân quân đến thung lũng Panjshir đã lên đến 5 chữ số. Nhiều cựu thành viên của các đơn vị lực lượng đặc biệt Afghanistan, từng bao gồm khoảng 25.000 binh sĩ, cũng đến đây. Số người đến Panjshir tham gia lực lượng chống Taliban cũng đang tăng lên mỗi ngày, theo các cựu sĩ quan.
Vì vậy, "hàng trăm chiến binh" mà Taliban tuyên bố đưa đến thung lũng Panjshir vào ngày 22.8 không phải là mối đe dọa đáng chú ý.
Bình luận (0)