Sau gần 20 năm, lực lượng Taliban hôm qua quay trở lại vị thế kiểm soát Afghanistan khi tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời, sau khi chính phủ Afghanistan chấp nhận chuyển giao quyền lực.
Tái sinh chính quyền Hồi giáo
Từ khi lên nắm quyền tại Afghanistan từ năm 1996, Taliban thiết lập các quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với phụ nữ. Theo tờ The Wall Street Journal, trẻ em gái thời kỳ đó không được tiếp cận với giáo dục, phụ nữ bắt buộc mặc trang phục trùm kín từ đầu đến chân. Giới chuyên gia nhận định sự trở lại của Taliban có thể sẽ đảo ngược nhiều cải cách cởi mở hơn đối với phụ nữ tại nước này trong 20 năm qua. Theo đánh giá hồi tháng 4 của tình báo Mỹ, những cơ hội cho phụ nữ Afghanistan tại các vùng do Taliban kiểm soát sẽ bị giảm đi.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với chuyên san Foreign Policy hồi tháng 6, người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban tuyên bố Taliban muốn toàn bộ phụ nữ đều phải được đảm bảo có quyền nhưng phải phù hợp với quy tắc và luật pháp địa phương. “Bất cứ điều gì chúng tôi làm trong tương lai, về luật pháp lẫn những quy định, đều tuân theo Hồi giáo”, ông Mujahid nhấn mạnh. Người phát ngôn Taliban mô tả Afghanistan thời hậu chiến sẽ là đất nước tuân thủ luật pháp, là một thành viên của cộng đồng quốc tế, mở mang kinh doanh, hòa thuận cả bên trong lẫn với láng giềng và thế giới. Theo ông Mujahid, mục tiêu của Taliban là tạo ra một chính quyền Hồi giáo dành cho toàn bộ người Afghanistan.
Bị cô lập hay được công nhận ?
Những năm qua, Taliban đã đầu tư nhiều vào nỗ lực tiếp xúc ngoại giao, giảm sự phụ thuộc vào Pakistan và tìm cách nâng cao sự công nhận của quốc tế. Bằng chứng là nỗ lực của Taliban để mở văn phòng chính trị tại Doha (Qatar) vào năm 2013. Từ cuối năm 2018, Mỹ và Taliban tham gia vào cuộc đối thoại trực tiếp tại Doha và đạt thỏa thuận vào tháng 2.2020, đặt nền tảng cho đối thoại nội bộ Afghanistan. Taliban cũng tham gia đối thoại với các bên tại Moscow của Nga. Các cuộc đối thoại giúp gia tăng sự công nhận của quốc tế đối với Taliban.
Theo thỏa thuận với Mỹ, Taliban cam kết đàm phán với chính quyền Tổng thống Ghani để đạt thỏa thuận về chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, Taliban bị cáo buộc trì hoãn cuộc đàm phán để đẩy mạnh tiến công trên chiến trường. Đặc phái viên Mỹ về hòa hợp Afghanistan Zalmay Khalilzad gần đây cảnh báo Taliban sẽ bị quốc tế cô lập nếu dùng biện pháp vũ lực để chiếm lấy Afghanistan. Ông Khalilzad được cho là đã gặp đại diện các bên liên quan tại khu vực để tìm kiếm cam kết về việc không công nhận chính quyền Taliban nếu lực lượng này dùng bạo lực để chiếm quyền kiểm soát, theo AP.
Trong vài tuần qua, giới lãnh đạo Taliban liên tục có các chuyến thăm Iran, Nga và Trung Quốc, ba nước có sức ảnh hưởng lớn tại khu vực. Chuyên gia Laurel Miller, Giám đốc chương trình châu Á của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (Bỉ), nhận định đó là cách để Taliban tạo hình ảnh chính danh trong mắt các ông lớn trong khu vực và cả các nước tại vùng Vịnh. Hơn nữa, đó là cách để Taliban có thể vô hiệu lời đe dọa của Mỹ và các nước phương Tây về việc cô lập chính quyền Taliban. Về chính sách đối ngoại tương lai của Afghanistan, câu nói của người phát ngôn Taliban trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 có thể là một gợi ý: “Người Afghanistan muốn hòa bình. Điều này là hiển nhiên đối với chúng tôi và tất cả mọi người. Trong tương lai, chúng tôi nên có một chiến lược khác để quên đi quá khứ và nói về tương lai của người Afghanistan”.
Quan hệ của Taliban với các bên
Trong giai đoạn cầm quyền từ năm 1996 - 2001, chỉ có 3 nước công nhận chính quyền Taliban là Pakistan, Ả Rập Xê Út và UAE. Từ sau khi bị lật đổ, Taliban vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với Pakistan. Tuy nhiên trong một thập niên qua, Taliban nỗ lực giảm phụ thuộc vào Pakistan và dần dần chuyển mình từ lực lượng bị quốc tế ruồng bỏ thành một bên đối thoại chính thức trong xung đột Afghanistan, được nhiều nước đón chào, theo chuyên gia về Trung Đông Kristian Berg Harpviken tại Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Na Uy).
|
Bình luận (0)