Vào giờ chào cờ, nhìn từ xa, sân Trường tiểu học và THCS A Dơi như một tấm thổ cẩm khổng lồ được dệt thêu từ hàng trăm mảnh ghép nhỏ, đầy màu sắc. Trong bộ trang phục truyền thống, gương mặt các học sinh dường như rạng rỡ hơn.
Giáo viên, học sinh Trường tiểu học và THCS A Dơi đến trường với trang phục vải thổ cẩm |
thanh lộc |
Nhưng để có được hình ảnh ấn tượng này là cả quá trình thay đổi nhận thức. Trước đây, từng có giai đoạn học sinh người Vân Kiều, Pa Kô ở Trường tiểu học và THCS A Dơi cảm thấy lạc lõng mỗi khi khoác lên mình trang phục thổ cẩm. Đã có lúc các em lén cất trang phục truyền thống vào đáy rương, ưu tiên lựa chọn những bộ áo quần, vải vóc từ miền xuôi đưa lên. Các em lựa chọn cái mặc theo số đông dẫu rất thích trang phục của cha ông truyền lại.
Nhưng nay, mọi thứ đã khác. Nguồn cơn bắt đầu từ nỗ lực của các thầy cô giáo mà đặc biệt là thầy Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng nhà trường. Những nét đẹp truyền thống, trong đó có trang phục thổ cẩm của người Vân Kiều, Pa Kô có sức hút mãnh liệt với thầy Chẩm. Vì thế, khi thấy nhiều người quay lưng với trang phục truyền thống của dân tộc mình, trong đó có các em học sinh, thầy Chẩm chạnh lòng.
Việc đưa trang phục thổ cẩm vào trường học được thầy Hồ Sỹ Chẩm triển khai đầu tiên tại ngôi trường cũ mà mình làm hiệu trưởng (Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc, H.Hướng Hóa). Ngay sau khi ra đời vào năm 2018, mô hình đã mang lại tín hiệu đáng mừng, thôi thúc thầy Chẩm nhân rộng mô hình sau khi chuyển sang công tác tại Trường tiểu học và THCS A Dơi.
Nỗ lực của cán bộ, giáo viên Trường tiểu học và THCS A Dơi sớm được đền đáp. Hiện nay, tất cả học sinh người Vân Kiều, Pa Kô trong trường đều có ít nhất 1 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Vào sáng thứ hai đầu tuần và các ngày lễ lớn, các em đều mặc trang phục thổ cẩm theo quy định. Được ban giám hiệu nhà trường khuyến khích, một số học sinh còn mặc váy áo truyền thống vào cả những ngày bình thường trong tuần. Từ đây, tình yêu dành cho trang phục và những nét đẹp truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô càng nảy nở. “Em rất vui khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống. Em mong có cơ hội được giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình cho các bạn ở khắp mọi miền”, Hồ Thị Choi, học sinh Trường tiểu học và THCS A Dơi, bày tỏ.
Hiệu trưởng Hồ Sỹ Chẩm cho biết, từ ngày trang phục thổ cẩm được đưa vào trường học, nhiều học sinh đã biết trăn trở với câu hỏi: “Tại sao nghề dệt thổ cẩm truyền thống bị mai một?”, “Phải làm cách nào để giảm giá thành trang phục thổ cẩm?”, “Liệu có thể kết hợp nét đẹp truyền thống và hiện đại trong trang phục thổ cẩm?”… Theo thầy Chẩm, đây là tín hiệu vui, cho thấy học sinh đã quan tâm nhiều hơn đến việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc. “Từ những trăn trở ấy, chúng ta có quyền hy vọng về một ngày, học sinh ở xã A Dơi sẽ đưa thổ cẩm vượt núi, đến với bạn bè”, thầy Chẩm tin tưởng.
Bình luận (0)