Tâm điểm Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO

11/07/2024 05:26 GMT+7

Ukraine nhận được những cam kết hỗ trợ mạnh mẽ tại hội nghị thượng đỉnh NATO, dù vẫn chưa rõ khả năng nước này được kết nạp.

Dự kiến hôm nay (11.7), Lãnh đạo các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bế mạc cuộc họp thượng đỉnh 3 ngày tại Washington DC (Mỹ), dịp kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh. Các nhà ngoại giao dự báo hội nghị sẽ kết thúc với một tuyên bố chung về vấn đề Ukraine, sau những phát biểu và động thái mạnh mẽ nhằm ủng hộ nước này.

"Nguy cơ lớn nhất"

Phát biểu khai mạc hội nghị vào tối 9.7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay Ukraine sẽ nhận thêm 5 hệ thống phòng không Patriot và SAMP/T từ Mỹ, Đức, Ý, Romania và Hà Lan. Ông cho biết đây chỉ là một phần trong chiến dịch tiếp tục của NATO nhằm giúp Ukraine đối phó lực lượng Nga.

Điểm xung đột: NATO đắp khiên phòng không cho Ukraine; chưa thể ngăn chặn Iskander?

"Trước cuộc chiến, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng NATO sẽ đổ vỡ. Ngày nay, NATO mạnh hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Khi cuộc chiến vô nghĩa này bắt đầu, Ukraine là một nước tự do. Cuộc chiến sẽ kết thúc với Ukraine vẫn là một nước tự do và độc lập", tờ The Washington Post dẫn lời ông phát biểu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ca ngợi "sự can đảm lớn" của Ukraine và nhắc lại việc NATO hỗ trợ chưa từng thấy, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ đó không chỉ là cho Ukraine. "Hãy nhớ rằng tổn thất và nguy cơ lớn nhất là khi Nga thắng ở Ukraine. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra", ông cảnh báo.

Tâm điểm Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO- Ảnh 1.

Lãnh đạo các thành viên NATO tại hội nghị ngày 9.7

Reuters

Trong bài phát biểu sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi giới lãnh đạo chính trị Mỹ đừng chờ đến khi có kết quả bầu cử tổng thống vào tháng 11 mới mạnh mẽ ủng hộ đất nước ông. Bên cạnh việc cung cấp 5 hệ thống phòng không hiện đại, Mỹ và các đồng minh cho biết sẽ chuyển cho Ukraine hàng chục hệ thống vũ khí chiến thuật tầm ngắn như NASAMS, Hawks, Iris và Gepard.

Vấn đề kết nạp Ukraine

Giới ngoại giao đồn đoán rằng một tuyên bố chung của NATO có khả năng đề cập việc kết nạp Ukraine và kiểm soát Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine, nhóm điều phối việc cung cấp viện trợ quân sự và huấn luyện cho Ukraine. Dù vậy, vẫn chưa có tiến triển có ý nghĩa nào về việc Ukraine gia nhập NATO. Theo tờ The Guardian, các bên gồm Mỹ, Đức, Ý và Hungary lo ngại rằng việc kết nạp khi chiến sự tiếp diễn tại Ukraine sẽ bị xem là sự leo thang có thể khiến NATO đối đầu trực tiếp với Nga. Trong khi đó, nhiều nước vùng Baltic và Đông Âu ủng hộ việc Ukraine gia nhập. Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho hay việc đàm phán vẫn đang được tiến hành về nội dung của tuyên bố chung và ông hy vọng sẽ có những từ như "không thể đảo ngược" khi đề cập con đường gia nhập NATO của Ukraine.

Lãnh đạo NATO không chắc chắn khi nào Ukraine sẽ được kết nạp

Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder cho rằng đợt cung cấp vũ khí mới là "một bước tiến quan trọng" thúc đẩy liên minh hành động thường xuyên hơn trong việc hỗ trợ Ukraine. "Nó giúp đưa Ukraine và NATO xích lại gần nhau hơn, nhưng chưa giải quyết được vấn đề chiến lược là khi nào Ukraine sẽ trở thành một thành viên", ông nhận định. Tổng thống Putin đã nhiều lần chỉ trích phương Tây tìm cách kết nạp Ukraine vào NATO.

Phát biểu tại Viện Ronald Reagan (Mỹ) vào tối 9.7, Tổng thống Zelensky hy vọng rằng nếu tái đắc cử, cựu Tổng thống Mỹ Trump vẫn hỗ trợ Ukraine và sẽ không rút khỏi NATO, dù thừa nhận rằng ông không đoán được hành động của ông ấy. "Nếu người dân Mỹ bầu cho ông Trump, tôi hy vọng chính sách của ông ấy về Ukraine sẽ không thay đổi", Tổng thống Zelensky trả lời khéo câu hỏi liên quan.

4 dự án phòng vệ mới ở Indo - Pacific

Hãng Kyodo ngày 10.7 dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay NATO và 4 đối tác ở Indo - Pacific (Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) là Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc sẽ cùng triển khai 4 dự án mới liên quan các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), phòng chống thông tin sai lệch, an ninh mạng và Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa Mỹ, châu Âu và Indo - Pacific chưa bao giờ trở nên quan trọng và hội nhập hơn so với hiện nay. Theo ông, mỗi dự án sẽ khác nhau nhưng có chung mục tiêu "khai thác sức mạnh độc đáo của các nền dân chủ có năng lực cao để giải quyết các thách thức toàn cầu chung". Ngoài ra, ông cho hay NATO sẽ công bố một bộ tư lệnh quân sự mới tại Đức, giúp đào tạo và trang bị cho các binh sĩ Ukraine. Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay liên minh đã đặt hàng các tên lửa phòng không Stinger trị giá 700 triệu USD cho một số quốc gia thành viên, sẽ được sản xuất đến năm 2029.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.