Chiều 5.9, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã chủ trì cuộc họp về các biện pháp phòng chống, ứng phó siêu bão số 3 (siêu bão Yagi).
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, siêu bão Yagi là cơn bão rất mạnh, đang diễn biến rất phức tạp và sẽ đổ bộ Việt Nam.
Đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng không dân dụng tại các cảng hàng không thuộc khu vực Bắc bộ, bao gồm các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, cảng hàng không Thọ Xuân.
Theo ước tính sơ bộ, siêu bão Yagi có thể ảnh hưởng đến khoảng 240 chuyến bay nội địa và 70 chuyến bay quốc tế.
Tạm đóng cửa 4 sân bay tránh siêu bão số 3 (bão Yagi)
Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động hàng không dân dụng, hạn chế tối đa các ảnh hưởng của bão, Cục trưởng Đinh Việt Thắng đã quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại các cảng hàng không nằm trong vùng ảnh hưởng của siêu bão Yagi trong ngày 7.9.
Theo đó, trong ngày 7.9, sân bay Vân Đồn sẽ tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 4 giờ đến 16 giờ; sân bay Cát Bi tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 5 giờ đến 16 giờ; sân bay Nội Bài ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 10 giờ đến 19 giờ; sân bay Thọ Xuân sẽ ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 12 giờ đến 22 giờ.
Ông Đinh Việt Thắng yêu cầu các hãng hàng không chủ động thông báo cho hành khách thông tin trên để có kế hoạch đi lại phù hợp, đồng thời giao Phòng Vận tải hàng không - Cục Hàng không Việt Nam xem xét cấp phép bay bổ sung cho các hãng hàng không từ ngày 8.9 để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách sau bão.
Ngoài ra, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tập trung 100% nguồn lực con người và thiết bị bảo đảm công tác dự báo khí tượng hàng không tại các cảng hàng không, sân bay để kịp thời đưa ra các thông tin dự báo khí tượng chính xác về ảnh hưởng của bão.
Các cảng hàng không, công ty quản lý bay khu vực tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng, chống ảnh hưởng của siêu bão Yagi đến hạ tầng kỹ thuật của cảng và máy bay trên sân đỗ, đồng thời thực hiện nghiêm các phương án phòng, chống bão của địa phương.
Cảng vụ hàng không tham gia trực tiếp vào công tác phòng chống thiên tai tại các cảng hàng không và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát theo quy định.
Sau khi bão tan, các đơn vị cũng tập trung nguồn lực thực hiện ngay các nhiệm vụ để đưa hoạt động khai thác trở lại bình thường.
Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý đến ảnh hưởng của hoàn lưu bão kèm mưa lớn kéo dài có thể gây ngập lụt tại các sân bay Điện Biên, Vinh.
Bình luận (0)