Chiều 24.6.2024, thông tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết thực hiện chủ trương của Bộ Công an và để chuẩn bị điều kiện tổ chức cấp căn cước cho công dân theo luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7 tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ tạm ngừng việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân trên địa bàn.
Việc dừng cấp căn cước công dân kéo dài từ ngày 25 - 30.6. Từ ngày 1.7, lực lượng chức năng của cơ quan này tiếp tục thu nhận hồ sơ và cấp căn cước cho công dân theo quy định.
Tạm dừng cấp căn cước công dân tại Hà Nội, TP.HCM
Chiều cùng ngày, Công an TP.HCM cũng thông báo tạm ngưng việc cấp thẻ căn cước công dân, định danh điện tử trên địa bàn thành phố kể từ ngày 25 - 30.6 tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức và tại Bộ phận một cửa quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Ngày 1.7 sẽ tiếp tục việc cấp căn cước, định danh điện tử cho công dân đúng theo quy định.
Vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 16/2024, quy định về mẫu thẻ căn cước mới thay thế thẻ căn cước công dân hiện hành, áp dụng từ ngày 1.7. Luật Căn cước mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước với cả người dưới 14 tuổi. Vì thế, Bộ Công an quy định 2 mẫu thẻ căn cước cho 2 nhóm đối tượng, gồm người dưới 6 tuổi và người từ đủ 6 tuổi trở lên.
Với người từ đủ 6 tuổi trở lên, thẻ căn cước có kích thước, hình dáng cơ bản giống như thẻ căn cước công dân. Tuy nhiên, dòng chữ "căn cước công dân" đổi thành "căn cước". Mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú". Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội" thành "Bộ Công an".
Trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải. Mục thông tin về "nơi đăng ký khai sinh" và "nơi cư trú" sẽ được chuyển sang mặt sau của thẻ căn cước, thay vì mặt trước của thẻ như hiện hành. Thời điểm cấp và thời điểm hết hạn của thẻ cũng được chuyển hết sang mặt sau.
Tương tự, mã QR cũng được chuyển sang mặt sau của thẻ. Mã QR này bao gồm các thông tin: số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ căn cước; số chứng minh nhân dân 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có); họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ (đối với thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi).
Đối với người dưới 6 tuổi, thẻ căn cước cơ bản giống như cấp cho người từ đủ 6 tuổi trở lên, điểm khác biệt là mặt trước của thẻ không có ảnh của người được cấp thẻ.
Bình luận (0)