Tạm dừng học thay vì đuổi học: Nhân văn, nhưng có khả thi?

11/09/2020 09:02 GMT+7

Không chỉ thay đổi hình thức kỷ luật, cách khen thưởng học sinh dự kiến cũng sẽ có những điều chỉnh đáng kể, nhằm tạo động lực cho học sinh tiến bộ nhưng cũng hạn chế tình trạng 'lạm phát giấy khen' như lâu nay.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh - sinh viên (HS - SV) Bộ GD-ĐT, trả lời PV Thanh Niên về tính khả thi và mục tiêu hướng tới sau khi dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với HS trong các cơ sở giáo dục phổ thông được ban hành.

Tập huấn giáo viên thực hiện “kỷ luật tích cực”

HS, nhất là lứa tuổi tiểu học, rất cần được khen thưởng để khích lệ. Nếu hạn chế việc khen thưởng, liệu có giảm động lực học tập không, thưa ông?
Thông tư này và các thông tư liên quan đến đánh giá HS của từng cấp học chỉ hạn chế việc tặng giấy khen của hiệu trưởng, chứ không hạn chế các hình thức khen thưởng khác. Ngược lại, Bộ rất khuyến khích việc khen thường xuyên và đặc biệt nhấn mạnh cần kịp thời khen ngợi, biểu dương HS trước lớp, trước toàn trường khi các em có kết quả học tập, rèn luyện hay việc làm tốt, dù là nhỏ.
Như vậy, người đứng đầu cơ sở giáo dục sẽ chỉ tặng giấy khen cho HS thực sự xuất sắc mỗi năm 1 lần, còn các hình thức khen khác thì các nhà trường, giáo viên (GV) hoàn toàn có thể chủ động bằng nhiều hình thức khác nhau. Có thể khen miệng, bằng quà tặng, bằng tuyên dương trên bảng thành tích của trường... vừa tạo động lực tích cực cho HS, vừa không bị lạm dụng giấy khen.
Điều dư luận quan tâm hiện nay là tính khả thi của quy định mới trong dự thảo thông tư. Tính ưu điểm, nhân văn của hình thức kỷ luật tích cực đã được thừa nhận, nhưng khi thông tư mới ra đời, có giải pháp gì để GV thích nghi áp dụng quy định mới?
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là làm sao chỉ đạo càng rõ càng tốt để tạo được sự thống nhất trong nhận thức và thuận lợi trong thực hiện. Điều này giúp cho GV dù còn chưa tương đồng về năng lực, ở các vùng miền khác nhau, nhưng dễ nhận biết và áp dụng.
Tạm dừng học thay vì đuổi học: Nhân văn, nhưng có khả thi ?1

Học sinh cần được giáo viên định hướng, chia sẻ, yêu thương

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thời gian qua, Bộ cũng đã chủ trì hoặc phối hợp để triển khai thực hiện các mô hình như: trường học thân thiện, HS tích cực; trường học hạnh phúc... Cùng với đó, Bộ cũng đã soạn thảo các tài liệu hướng dẫn, tập huấn cán bộ quản lý và GV về các tình huống sư phạm để ứng xử phù hợp trong nhà trường. Trong đó, chú trọng đến các biện pháp xử lý tích cực.
Việc tổ chức tập huấn GV, đối tượng được xem là chủ thể chính trong việc thực hiện các quy định mới mà thông tư đặt ra, là một yêu cầu bắt buộc, sẽ được chú trọng quán triệt trong thời gian tới, ngay sau khi thông tư được ban hành và kể cả trong quá trình chuẩn bị.

Vì sao vẫn cần “tạm dừng học tập” ?

Một số ý kiến cũng băn khoăn về việc tại sao vẫn áp dụng việc tạm dừng học tập của HS khi đã nhất quán sẽ áp dụng hình thức kỷ luật tích cực trong trường học?
Việc đưa ra thời gian tạm dừng học tập với HS nhiều nhất là 2 tuần đã được tính toán và đảm bảo tính thống nhất với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Cụ thể, với HS tiểu học thì dự thảo không đặt ra hình thức kỷ luật “tạm dừng học tập”; với HS trung học, dựa vào Điều lệ trường THCS và trường THPT hiện nay, mỗi HS không được phép nghỉ học quá 45 ngày/năm học. Do vậy, thời gian buộc HS phải tạm dừng học tập mỗi lần là không quá  2 tuần, bởi vì không loại trừ trường hợp trong 1 năm học, 1 HS cụ thể nào đó có thể vi phạm nhiều lần và phải tạm dừng học tập không chỉ 1 lần. Nếu tạm dừng học tập quá 45 ngày thì sẽ vi phạm Điều lệ trường học và HS có thể không được lên lớp. Vì vậy, thông tư này sẽ phải tránh đẩy HS vào tình huống đó khi các em đang tiến bộ và thay đổi. Chúng tôi cũng hy vọng việc HS tái phạm và phải tiếp tục áp dụng kỷ luật bằng đình chỉ học tập chỉ là hy hữu, cá biệt.

Trong thời gian tạm dừng học tập trên lớp, học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư, dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên được phân công và gia đình học sinh...

Ông Bùi Văn Linh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh - sinh viên)

Bên cạnh đó, HS vi phạm đến mức phải tạm dừng học tập là để các em phải có thời gian nhất định tách mình ra khỏi tập thể, tự suy nghĩ và thực hiện các biện pháp khắc phục, thay đổi bản thân, dưới sự hỗ trợ của GV, gia đình và bộ phận tâm lý học đường.
Không ít chuyên gia có kinh nghiệm cho rằng HS bị tạm đình chỉ học tập một vài tuần không phải em nào cũng coi đó là kỷ luật, mà có khi còn sẵn sàng đón nhận vì được nghỉ học để chơi. Việc tạm dừng học tập trong quy định lần này có kèm theo điều kiện gì không, thưa ông?
Nếu như trong quy định hiện hành giao cho “gia đình HS có trách nhiệm quản lý và giáo dục con cái trong thời gian HS bị đuổi học”, thì dự thảo quy định mới đưa ra nhiều biện pháp linh hoạt hơn. Ví dụ, trong thời gian tạm dừng học tập trên lớp, HS có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư, dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, GV được phân công và gia đình HS...
Hết thời hạn tạm dừng học tập trên lớp, HS phải giải trình về kết quả rèn luyện của bản thân trong thời gian bị kỷ luật và đề xuất kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của bản thân trong thời gian tới, có xác nhận và cam kết của gia đình HS. Hiệu trưởng nhà trường xem xét và quyết định cho HS tiếp tục học tập trên lớp.
Khi giáo viên thay đổi thì chưa cần phải dùng đến hình thức kỷ luật...
Theo PGS Nguyễn Hồng Thuận, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý học - giáo dục học (Viện Khoa học giáo dục VN), khi thông tư này được ban hành sẽ giúp GV thay đổi nhận thức về kỷ luật với HS. Hiện nay, mục tiêu của GV là dùng kỷ luật hà khắc để ngăn chặn hành vi, nhưng đó là cách làm máy móc, cứng nhắc và đã lạc hậu trong giáo dục.
Khi GV thay đổi thì có lẽ chưa cần phải dùng đến hình thức kỷ luật và các hình phạt, mà chỉ cần bằng hành động, lời nói của GV đã có thể khiến HS thay đổi nhận thức. Mục tiêu giáo dục HS vì thế cũng đạt được một cách nhẹ nhàng, thân thiện hơn.
Những thay đổi lớn về khen thưởng và kỷ luật học sinh
Về khen thưởng, để tránh việc tặng giấy khen tràn lan như thời gian qua, việc tặng giấy khen của hiệu trưởng cho HS sẽ chỉ tiến hành vào cuối mỗi năm học, thay vì cuối học kỳ như hiện nay. Chỉ tặng giấy khen với những HS thực sự xuất sắc, không có giấy khen cho HS học tiên tiến (khá) hay giấy khen từng mặt... như hiện nay. Sẽ có thêm các hình thức “khen đột xuất” với những HS có việc làm tốt, có nghĩa cử đẹp, giúp ích cho bạn bè, cộng đồng... hoặc hình thức “khen cao” với những HS đoạt giải cao trong các kỳ thi lớn ở khu vực và quốc tế...
Các biện pháp kỷ luật tích cực sẽ thay thế những hình thức kỷ luật cực đoan. Cụ thể, không đuổi học (tới 1 năm), không phê bình HS trước tập thể; không ghi vào học bạ tất cả các mức kỷ luật của nhà trường và GV mà HS đó đã phải nhận trong năm học...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.