Cuốn Vì tình yêu Hà Nội (Nhà xuất bản Hà Nội) của Martin Rama có bài viết mở đầu khá đặc biệt. Đó là một bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong đó, cố Thủ tướng viết: "Lẽ ra Hà Nội phải là nơi làm gương cho cả nước trong việc quy hoạch và xây dựng một thành phố nhân ái, văn minh mà vẫn giàu có, năng động; sẵn sàng thích ứng với mọi đổi thay cho thời cuộc và tạo ra cho chính mình bản sắc của thủ đô Việt Nam…".
Những suy tư về Hà Nội của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nét tương đồng với suy tư của ông Martin Rama (vốn là chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới - PV) trong những năm ông sống tại thủ đô Hà Nội. Chính vì thế, ông đã liên tục viết về Hà Nội, về quá trình phát triển của Hà Nội, từ góc nhìn kinh tế và cả góc nhìn di sản văn hóa.
Trong cuốn Vì tình yêu Hà Nội có những bài viết về câu chuyện di sản, phát triển mang tính thời sự ở thời điểm đó. Đó là việc "giải cứu" bức tranh tường của họa sĩ Trường Sinh ở chợ Mơ, việc ứng xử với di sản công nghiệp ở 61 Trần Phú… Ông cũng có các bài viết về di sản nhà thờ Bùi Chu, cây gạo bị đốn ở Hà Nam… Mỗi khi sự việc tới, ông đều viết ngay, như một nhà báo công dân đầy trách nhiệm.
Dịch giả Nguyễn Băng Ngọc, người đã dịch những bài viết của Martin Rama ra tiếng Việt để thành cuốn sách này, cho biết thoạt tiên do có thời gian và cần trau dồi khả năng dịch cũng như cần thêm thu nhập, cô đã nhận dịch các bài viết của ông. Quá trình dịch lúc đầu rất chậm, vì các bài viết có nội dung về kinh tế, nói về phát triển đô thị này khá "cứng" so với sở thích của cô.
Nhưng khi dịch nhiều hơn, trao đổi với tác giả nhiều hơn, cô nhận ra đằng sau ngôn ngữ khô khan về kinh tế lại là một tình yêu lớn. "Tình yêu đó khiến các vấn đề về kinh tế học, về phát triển đô thị, vấn đề bảo tồn vốn khô khan trở nên có ý nghĩa hơn, dễ cảm động hơn. Nó khiến tôi cảm nhận được tình yêu Hà Nội của ông Martin Rama, nỗ lực để Hà Nội phát triển hơn mà vẫn giữ được vẻ đẹp của nó. Lúc đó, tôi mới cảm nhận được sự lãng mạn của nó", nữ dịch giả chia sẻ.
Ông Martin Rama nói về quan điểm của mình qua các bài viết: "Với tôi, câu chuyện di sản không còn là cách tiếp cận cũ ngày xưa, mà phải là một cách tiếp cận mang tính chuyển đổi vì di sản phải là di sản sống. Chính vì tính sống đó tôi không chỉ nhìn câu chuyện bảo tồn một tòa nhà, mà là hỗ trợ đời sống trong và xung quanh công trình đó".
Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh: "Đô thị sống động nhất là đô thị vừa phát triển vừa có cá tính. Với nhiều chất liệu cá tính sẵn của Hà Nội, tôi mong tham góp được quan điểm tiếp cận của nhiều bên để di sản sống này phát triển thành đô thị hiện đại có cá tính. Để làm được cần sự chung tay của nhiều người…".
Bình luận (0)