[VIDEO] Việt kiều ở Lào "chỉ còn quần đùi" sau thảm họa vỡ đập
|
“Họ thiếu gì, mình giúp cái đó”
Gió lớn, mây xám phủ dày bầu trời tỉnh Attapeu. Trời mưa tầm tã nhưng gần chục Việt kiều chen chúc trong chiếc xe bán tải vẫn quyết mang đồ cứu trợ vào tận vùng rốn lũ để đưa tới tay người gặp nạn. Đi được hơn 7 km thì chị Lan (33 tuổi, ngụ huyện Phu Vong) kêu lên: “Quên đồ rồi, quay về lấy thùng băng vệ sinh, giấy vệ sinh mang vào cho họ. Thiếu ăn, thiếu mặc còn được chứ phụ nữ mà thiếu những thứ ấy thì biết làm sao”.
Rẽ mưa, xe quay đầu về nơi xuất phát để lấy thùng hàng cuối cùng rồi đi một mạch. Trên xe, không ai kêu ca chuyện đường khó đi hay xe bị xóc bởi mọi người đang tập trung bàn việc dân bản sẽ sống thế nào trong những ngày tạm cư. Họ thiếu những gì và nguồn vận động là những ai? Sau hơn 3 tiếng, họ tới trung tâm huyện Sanamxay và nhanh chóng bắt tay chuyền từng thùng đồ xếp gọn gàng vào nơi tập kết, rồi đi hỏi thăm các nạn nhân. Lúc ra về, họ không quên hẹn sẽ tiếp tục quyên góp và sớm trở lại.
|
Trong lúc đó, anh Phạm Văn Đông (Chi hội phó Hội Việt kiều tại Attapeu) tiếp tục đi quyên góp. “Thiếu anh Đông, Việt kiều không tin tưởng để giao tiền, hàng cứu trợ”, chị Thu (Việt kiều Lào) cho hay. Họ chia nhau mỗi người một việc để đảm bảo công tác cứu trợ nhanh, hiệu quả nhất. Người có tiền giúp tiền, người bán tạp hóa giúp nhu yếu phẩm… Những đoàn cứu trợ như thế trong 5 ngày cứ lần lượt nối nhau tới Sanamxay. “Người Lào chân thật, sống chậm và ít khi lừa lọc ai. Mình giúp cốt là để họ nhanh chóng thoát khỏi khốn khó, nhanh chóng thoát khỏi cảnh khổ chứ không nghĩ giúp họ để ngày sau mình gặp nạn họ giúp lại mình”, anh Vỹ (quê Ninh Bình) chia sẻ.
Lo người bị nạn thiếu thốn thực phẩm, chị Đỗ Thị Hà (41 tuổi, quê Quảng Bình) không quản lội bùn đi mua heo về nhờ người Lào tới nấu. Thành phẩm là 800 hộp cơm đợi sẵn để phát cho những người được giải cứu khỏi khu vực vỡ đập. “Tôi vừa điều trị ung thư ở TP.HCM, mới về Lào được vài ngày. Chứng kiến người dân gặp nạn, tôi không đành nên dù mệt cũng cố gắng nấu nướng lo cho họ bữa cơm đủ chất. Vừa quay quắt vì bệnh tật, tôi hiểu giá trị của mạng sống và chỉ cần có sức khỏe thì của cải mất đi sẽ lại kiếm về được. Tôi mong những người gặp nạn sẽ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn này”, chị Hà tâm sự. Không chỉ thế, ngay trong sáng 24.7, khi chứng kiến những người dân chạy ra từ vùng lụt trên người chỉ còn chiếc quần lót, chị Hà sẵn sàng lấy quần áo treo trên sạp hàng phát cho người dân. “Thấy họ lạnh lẽo mà thắt ruột”, chị nhớ lại.
“Có ai thấy thằng Phương không ?”
Cũng trong những ngày qua, nhiều người dân Việt sống tại Sanamxay luôn túc trực tại cửa hàng tạp hóa của anh Vũ Văn Đương để chờ tin tức của gia đình anh Bùi Thế Phương (29 tuổi, quê Kim Sơn, Ninh Bình) mắc kẹt trên núi sau trận vỡ đập thảm khốc đêm 23.7. Hễ có ai từ trong bản ra là mọi người tụ lại hỏi: “Có ai thấy thằng Phương không? Vợ con nó thế nào?”. Rồi việc anh Phương mất liên lạc lan ra toàn bộ cộng đồng người Việt ở Lào. Họ lo lắng cho an nguy của gia đình anh nên chuẩn bị sẵn đồ ăn, quần áo để khi có trực thăng vào vùng mắc kẹt sẽ đi luôn. Từ hôm 24.7, nhà anh Đương bỗng nhiên trở thành trạm dừng của bà con người Việt đến Sanamxay.
Vợ chồng anh gác lại việc buôn bán để phụ đưa đón, cơm nước cho những người từ xa đến làm từ thiện. Anh quyết không nhận mọi chi phí bởi: “Người ta từ xa còn vào cứu trợ. Chúng tôi ở đây giúp được gì sẽ giúp hết mình”. Anh Đỗ Văn Dũng (30 tuổi, bán điện thoại di động ở Sanamxay) mấy ngày nay cũng không màng bán buôn mà liên tục đưa đón các đoàn cứu trợ. Dẫn đoàn vào tận nơi, trao quà tận tay những người khổ nhất.
Đến chiều 28.7, cũng tại quán tạp hóa của anh Đương, mọi người vỡ òa khi nghe tin gia đình anh Phương đã được cơ quan chức năng giải cứu đưa về trung tâm huyện. Hiện anh và vợ con cùng 4 gia đình người Việt mất nhà đang trú tạm tại garage xe hơi của một đồng hương. Việc ăn uống, ngủ nghỉ đều do cộng đồng người Việt ở Attapeu hỗ trợ. Hơn 4 ngày gia đình anh Phương kẹt trên núi là hơn 4 ngày những người Việt ở Sanamxay thấp thỏm lo âu nhưng cũng giúp cảm nhận rõ hơn sự quan tâm của cộng đồng dành cho nhau.
(từ Sanamxay, Lào)
Bình luận (0)