Chiều tối, chúng tôi đến nhà thầy A Hnao ở làng Kon HRầm, xã Đăk Tờ Re, H.Kon Rẫy (Kon Tum). Đứng ngoài sân, đã nghe tiếng đánh vần của nhiều trẻ em. Bước vào nhà, giữa căn phòng nhỏ trải chiếu, có một mái đầu bạc đang chăm chú cúi vào trang sách giáo khoa cùng các học sinh lớp 4.
Thầy giáo già khi thì chụm đầu hướng dẫn học sinh này, lúc lại quay sang học sinh khác giải thích cách giải toán, đánh vần chữ khó.
tin liên quan
Thầy giáo vật lý 'chế' bóng đèn năng lượng mặt trời cho hộ nghèo Sài GònBản thân là một người đam mê các hoạt động thiện nguyện, thầy Phạm Thư Tùng đã mang đến cho học sinh một dự án học môn vật lý kết hợp với các giá trị nhân văn.
Thầy A Hnao cho hay thầy dạy học được 31 năm (từ năm 1975 - 2006) thì nghỉ hưu. Từ đó đến nay, ông dành thời gian dạy miễn phí cho học sinh yếu kém trong vùng. Thầy cho biết ban đầu bà con nhờ dạy vài em. Sau các em kéo đến nhiều hơn, đông nhất chừng 15 em, hôm ít là dưới 10 em.
Tất cả đều là học sinh yếu, chậm tiếp thu. Một phần do các thầy cô giảng bài bằng tiếng phổ thông, các em không hiểu. Biết được điều đó, khi dạy các em, thầy giải thích bằng tiếng địa phương nên các em mau hiểu, tiếp thu được và học hành dần tiến bộ.
Thầy A Hnao chia sẻ không chỉ học tập tiến bộ, các học sinh ông dạy còn lễ phép, đi thưa về trình và nhận thức được việc học có ích như thế nào. Đến nay, lứa học trò đầu tiên của thầy giáo A Hnao đã vào Trường THPT dân tộc nội trú H.Kon Rẫy.
Theo UBND xã Đăk Tờ Re, không chỉ dạy chữ, ông A Hnao còn là người thầy đi đầu trong việc giúp đồng bào sản xuất thâm canh cây trồng, cải thiện đời sống. Điển hình như tập tục của bà con trong việc canh tác không biết sử dụng phân bón, không biết cách làm cho đất khỏi bạc màu, không biết phòng ngừa sâu bệnh. Để giúp đồng bào Xê Đăng ở đây, thầy A HNao tự làm trên rẫy của mình rồi hướng dẫn bà con làm theo.
Sau đó, ông chỉ cách bón phân cho lúa, cây mì, trị sâu bệnh. Sau những thời gian trên rẫy, trong các buổi sinh hoạt tại nhà rông của làng, thầy A Hnao lại đứng ra vận động, thuyết phục bà con làm nông nghiệp theo kiểu mới. "Đến nay, hơn 50 hộ trong làng theo tôi học cách làm ăn, đã cho năng suất lúa cao hơn", thầy A Hnao nói.
Bình luận (0)