Từ những mái tóc bạc phơ của các lớp đàn anh, đàn chị tuổi xế chiều đến những mái đầu còn xanh, tất cả ở họ đều toát lên trong giọng nói, nụ cười một niềm tin về tương lai của TP.HCM, của đất nước.
Vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Đức Khương (Chủ tịch Hội Nhà khoa học và chuyên gia VN ở Pháp) cùng khăn gói về nước lần này, chia sẻ: “Chúng tôi, những người VN ở nước ngoài ai cũng mong muốn đóng góp cho quê nhà, vấn đề là cần những cơ chế cụ thể để huy động được nguồn lực ấy”. Ở Pháp, tiến sĩ Khương tập hợp những trí thức, chuyên gia người Việt trên các lĩnh vực để thường xuyên có những hiến kế, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Lần này, anh mang theo ba chương trình thiết thực đồng hành cùng TP là hệ sinh thái dữ liệu mở, cơ chế thúc đẩy đầu tư nước ngoài và giáo dục - đào tạo. Anh nói: “Rất nhiều người Việt là nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu đang công tác ở khắp nơi trên thế giới đã và đang đóng góp ít nhiều vào sự phát triển chung của VN. Họ có thể làm tốt công tác tư vấn, cầu nối hợp tác và trực tiếp thực hiện các dự án cụ thể ở VN”.
Nhà khoa học trẻ Nguyễn Đỗ Dũng đến từ Singapore, cho biết anh quy tụ tất cả những người được đào tạo ở nước ngoài để lập nên nhóm “sáng kiến cho VN”. Với đề tài “tầm nhìn để dẫn đầu”, Nguyễn Đỗ Dũng đặt câu hỏi: TP đã sẵn sàng để dẫn đầu chưa? Anh cho rằng TP.HCM cần phải có cơ chế khuyến khích sáng tạo thay vì “không làm sai là tốt”; sử dụng người tài để biến thách thức thành cơ hội…
Mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài như của anh Nguyễn Đức Khương, Nguyễn Đỗ Dũng không hiếm. Có thể kể đến Tổ chức Gặp gỡ VN của Giáo sư Trần Thanh Vân tại Pháp, mạng lưới hợp tác phát triển quốc tế của ông Nguyễn Trí Dũng (Nhật Bản), nhóm sáng kiến VN do Giáo sư Trần Ngọc Anh ở Mỹ làm chủ tịch, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, đã và đang chuyển giao tri thức khoa học tiên tiến, làm cầu nối đưa các nhà khoa học VN tiệm cận hơn với nền khoa học công nghệ phát triển của thế giới…
Theo tiến sĩ Trần Hải Linh (Hàn Quốc), trong gần 4,5 triệu người Việt đang định cư, sinh sống ở nước ngoài có hơn 400.000 người là chuyên gia, trí thức được học tập và đào tạo bài bản. “VN sẽ thành công nếu biết khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực của đội ngũ các nhà khoa học và trí thức VN ở nước ngoài, cũng như tìm ra những phương thức phù hợp để kết hợp nguồn lực ngoài nước với nguồn lực trong nước”, tiến sĩ Linh nhận định. Nhưng không chỉ có thế, nguồn lực kiều bào còn là những đồng vốn chắt chiu, lao động khó nhọc nơi xứ người của bà con gửi về mỗi năm một tăng lên cho các dự án lớn hoặc vừa và nhỏ xây dựng quê nhà.
Trân trọng những đóng góp của kiều bào, cầu thị, lắng nghe những hiến kế của họ, đất nước sẽ phát huy được nguồn lực to lớn của kiều bào trong công cuộc đổi mới và phát triển bền vững; TP.HCM sẽ trở lại là “hòn ngọc Viễn Đông”, đi đầu trong cả nước trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay. Đó là thông điệp mà các đại biểu mong muốn từ hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM”.
Bình luận (0)