Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều địa danh đã trở thành những tượng đài bất khuất, biểu tượng của lòng quả cảm tuổi 20 oanh liệt như Truông Bồn (Nghệ An), Hang Tám Cô (Quảng Bình), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)…Thế nhưng đến nay, vẫn còn một địa danh khác ở tuyến đường 16A - Thống Nhất (thuộc xã Kim Thủy, H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) gắn liền một một sự kiện bi tráng vẫn còn bị quên lãng…
Trong một chuyến công tác ở Quảng Bình, chúng tôi tình cờ gặp được ông Trương Văn Tòng, một cựu chiến binh ở xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Biết chúng tôi là phóng viên, ông Tòng đã thổ lộ: Cách nay khoảng 40 năm, đúng vào trưa 1.5, hàng trăm chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam) đang làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa, quân trang quân dụng bên tuyến đường 16A để chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam thì bị máy bay Mỹ không kích. Ít nhất 50 chiến sĩ TNXP đã hi sinh, thế nhưng sự kiện lịch sử bi tráng này lại ít được sử sách nhắc tới. Ông Tòng nói: “Sự kiện ngày 1.5 tại vùng Bang - Sứt (hay còn gọi là Khe Sứt) còn đau hơn cả sự kiện ở Truông Bồn, Nghệ An bởi số lượng TNXP hi sinh hàng chục người. Thế hệ những nhân chứng còn sống sót của ngày bi thương đó như chúng tôi giờ cũng đã gần đất xa trời. Một địa danh lịch sử như thế mà đến nay vẫn chưa có được một cái tên, thậm chí một tấm bia di tích thì thật là đau xót. Nay tôi tuổi đã già, sức đã yếu... Sợ một ngày nào đó chết đi mà di tích lịch sử này chưa được ghi nhận thì quả là có tội với hàng chục chiến sĩ, đồng chí đã ngã xuống ở Bang - Sứt”.
Những dòng sử liệu
Từ những thông tin của ông Tòng, chúng tôi thử tra cứu trên Google nhưng kết quả là không hề tìm thấy một từ nào miêu tả sự kiện Bang - Sứt. Theo cách nói của ông Tòng thì sự kiện này “chấn động” ở tuyến đường 16A (còn gọi là tuyến Thống Nhất), một tuyến đường huyết mạch, trọng yếu thuộc hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại. Lật từng trang trong cuốn Đường xuyên Trường Sơn (tập hồi ức gắn với đường Trường Sơn huyền thoại của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - NXB Quân Đội, 1999) thì không hiểu vì lý do gì cuốn sách này cũng không nhắc tới sự kiện 1.5 tại Bang - Sứt.
May mắn thay, trong cuốn Lịch sử Công an nhân dân Lệ Thủy (Tập 1, giai đoạn 1945 - 1975, ấn hành tháng 8 - 2009) chúng tôi đã tìm thấy vài dòng nhắc đến sự kiện tại Bang- Sứt. Cuốn sách dày gần 200 trang, ở trang 169, có ghi: Giữa năm 1970, trong lúc nhân dân Lệ Thủy đang hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương thì ngày mồng 1 tháng 5 năm 1970 đế quốc Mỹ huy động hàng chục máy bay, tập trung đánh phá vào vùng kho trung chuyển Bang…, cán bộ chiến sỹ đồn cảnh sát giao thông số 84 đã cùng lực lượng công an cơ sở, dân quân, thanh niên xung phong... chiến đấu quyết liệt với giặc trời, giặc lửa suốt hơn bốn tiếng đồng hồ liên tục cứu được 1.085 tấn hàng hóa các loại, băng bó chuyển thương hàng chục người bị thương ra khỏi vòng đánh phá của máy bay địch…
Còn cuốn Lịch sử Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình (giai đoạn 1885 - 1999, NXB Giao thông vận tải năm 1999) do ông Lại Văn Ly làm chủ biên, dù ít ỏi nhưng đã hé lộ thêm những thông tin quý báu:
Trên thực tế ở Quảng Bình trong 3 năm (1969, 1970, 1971) máy bay trinh sát của đế quốc Mỹ vẫn thường xuyên hoạt động… Lẻ tẻ máy bay Mỹ vẫn ném bom theo lối cắm trộm xuống Nông trường Lệ Ninh, Tây Bố Trạch, Nam Long Đại… Nghiêm trọng nhất có vụ ném bom sát thương tại Khe Bang (đường 16 Lệ Thủy) trưa 1.5.1971 trúng vào đội TNXP (tỉnh Nam Hà) làm chết 50 nam, nữ thanh niên đang bốc xếp tại kho trung chuyển lương thực (tr 227).
|
Khúc bi tráng ngày 1.5
Trong hai cuốn sách trên sự kiện tại Bang - Sứt được trích lại có sự khác biệt. Sự kiện xảy ra ngày 1.5 thì hoàn toàn giống nhau, nhưng chính xác là ngày 1.5 của năm 1970 hay 1971 thì mỗi sách ghi mỗi khác.
Những chứng nhân lịch sử của sự kiện ngày 1.5 tại Bang - Sứt phần nhiều nay đã mất, hoặc tuổi cao sức yếu. Chính thế mà nhiều chứng nhân chúng tôi gặp, dù khẳng định chỉ có một sự kiện “chấn động” tại Bang - Sứt ngày 1.5, nhưng vẫn chưa đồng nhất năm xảy ra, thậm chí con số thương vong được đưa ra còn chông chênh đến đau lòng.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Dê, nguyên Chủ tịch UBND H.Lệ Thủy (Quảng Bình) người từng giữ chức trưởng tuyến 16A những năm từ 1969 - 1973, quả quyết: trận máy bay Mỹ tập kích ở Sứt xảy ra vào trưa 1.5.1970 khiến trên 200 người hi sinh lẫn bị thương, trong đó phần nhiều là nữ TNXP Nam Hà.
Ông Đỗ Trung Tuân, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo H.Lệ Thủy, một chứng nhân khác của sự kiện, cũng kể rằng vào thời điểm xảy ra sự kiện ở Bang - Sứt, ông đứng ở khu vực thị trấn Kiến Giang (H.Lệ Thủy) vẫn nghe tiếng gầm rú của máy bay địch, lúc ấy ông nhìn lên vùng Bang - Sứt thì thấy khói đen mù mịt. “Tôi nhớ trận ấy xảy ra vào trưa 1.5.1970. Hồi đó tôi không lên trực tiếp trên vùng ấy nhưng được biết trận ấy máy bay Mỹ oanh kích trúng đội TNXP Nam Hà khiến khoảng 100 người hi sinh, bị thương trên 100 người, đau thương, bi tráng vô cùng” - ông Tuân hồi thuật.
Trong khi đó, ông Lại Văn Ly - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phụ trách công tác giao thông vận tải đặc trách chi viện cho miền Nam (thời kháng chiến chống Mỹ) lại quả quyết sự kiện nói trên xảy ra vào trưa 1.5.1971, 50 TNXP Nam Hà đã hi sinh trong trận ấy.
Do có những xác định khác nhau, nên ông Tuân đã đưa ra đề xuất cần sớm tổ chức các cuộc hội thảo để tranh thủ sự đóng góp tư liệu, thông tin từ những chứng nhân lịch sử này. “Tôi nghĩ UBND xã Kim Thủy, Sở GTVT tỉnh, Binh đoàn 12 tức Binh đoàn Trường Sơn (tiền thân là Đoàn 559) cần phải bàn bạc để có một cơ quan chủ trì tổ chức hội thảo, thực hiện các bước đề nghị nhà nước công nhận di tích lịch sử tại Bang - Sứt. Tuy nhiên theo tôi trước hết là để làm rõ năm xảy ra sự kiện là 1970 hay 1971, số lượng người hi sinh 50 hay 100… Một sự kiện lịch sử đau thương và bi tráng như thế mà không làm rõ, không ghi danh thì thật đau lòng” - ông Tuân nói.
Mai Đình Toàn
Bình luận (0)