Giữa một chiều tháng 7, bên căn nhà nhỏ trong hẻm sâu thuộc tổ 68, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu (Đà Nẵng), mẹ Huỳnh Thị Kế (85 tuổi) miệt mài lau dọn am thờ đứa con trai đã ra đi ở tuổi 20 giữa vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1988, liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn đã cùng 63 chiến sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh anh dũng trong sự kiện quân Trung Quốc dùng quân lực cưỡng chiếm trái phép các đảo của Việt Nam.
tin liên quan
Khánh thành giai đoạn 1 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc MaSáng 15.7, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27.7.1947-27.7.2017) và Khánh thành giai đoạn 1 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Tháng 3.1988, khi nhận tin đứa con trai duy nhất hy sinh, bà Kế quỵ ngã. Cũng như thân nhân của 64 liệt sĩ Gạc Ma xả thân giữa biển, bà đã không được nhìn thấy hình hài con mình, không được tự tay chôn cất con. Xót xa hơn, vì những quan niệm tâm linh ở thôn quê và hoàn cảnh gia đình rất riêng, bà không thể đưa di ảnh con vào nhà mà đành thờ con trong một chiếc am nhỏ đặt ngoài cổng. Bà Kế ngậm ngùi kể, bà chỉ là vợ sau của bố liệt sĩ Đoàn, khi ông đã có 4 mặt con với người vợ trước. Bà và ông có 2 con chung là liệt sĩ Đoàn và một người con gái khác (chị Nguyễn Thị Bích Liễu).
Ngôi nhà mà mẹ Kế đang ở là của ông Nguyễn Điện (đã mất, là chồng mẹ Kế), những năm trở lại đây đang có chuyện về vấn đề quyền thừa kế vì còn liên quan đến 4 người con của vợ cả ông Điện. “Chính vì muốn an yên cuối đời nên mẹ tôi muốn ra ngoài, tìm một chỗ riêng để có thể thờ liệt sĩ, thỏa tâm nguyện suốt cuộc đời bà”, chị Liễu nói.
Chị Liễu cũng nhiều lần đề nghị mẹ đưa di ảnh liệt sĩ về căn hộ chung cư của chị để thờ, nhưng bà Kế không đồng ý vì ngại chuyện con gái có gia đình riêng.
Sẽ xây mộ
Gần 4 năm trước, bà Kế dự cảm về sự bất an nào đó nên viết đơn xin mảnh đất nhỏ để xây căn nhà, đặt bàn thờ liệt sĩ Đoàn, thỏa tâm nguyện “neo” con về với đất liền. Bà lặn lội từ phường ra quận, rồi được hướng dẫn đến Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, gặp những người làm chính sách ở địa phương trao đổi, nhưng chưa biết đến khi nào mới được. PV Thanh Niên mang câu chuyện của bà Kế đến bộ phận chính sách và người có công của P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, nhiều cán bộ cho hay họ đều biết rõ và hết sức chia sẻ, tuy nhiên câu trả lời cho mẹ thì chưa biết giải quyết sao.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng) cho biết: “Hiện tại, mẹ Kế được hưởng chế độ mẹ liệt sĩ, chế độ người có công với cách mạng với số tiền hỗ trợ khoảng gần 2,7 triệu đồng/tháng. Riêng về việc mẹ làm các thủ tục xin cấp đất để thờ liệt sĩ thì Sở đang xem xét”.
tin liên quan
Chăm lo nhà ở cho hộ có công với cách mạngHậu Giang có hơn 34.000 người có công với cách mạng, trong đó 9.500 người đang được hưởng trợ cấp hằng tháng. Lãnh đạo tỉnh đã và đang triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn.
Ông Thái Đình Hoàng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, phụ trách về mảng người có công cho biết thêm: “Hiện tại, Đà Nẵng có 7 liệt sĩ Gạc Ma đã được xây mộ vọng ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Khương. Hai trường hợp khác, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, đã thống nhất với gia đình chọn vị trí xây dựng trong năm nay. Riêng về nhu cầu hỗ trợ đất để xây nhà, thờ liệt sĩ thì hiện tại Sở đang tập trung giải quyết cho những thân nhân liệt sĩ đang bức xúc về nhu cầu nhà ở”.
Bình luận (0)