Thế nên nhiều ý kiến nghi ngờ không ít mặt hàng tạm nhập nhưng không tái xuất như quy định mà ở lại tiêu thụ nội địa.
Số liệu là “mật”?
Năm 2017, trước việc thịt heo rớt giá, Bộ NN-PTNT từng đề nghị xem xét dừng nhập khẩu thịt heo, thịt gà, nội tạng… theo hình thức tạm nhập tái xuất. Đại diện các hiệp hội chăn nuôi phản ứng trước nghi vấn lượng lớn thịt đông lạnh giá rẻ “không biết từ đâu ra” được tiêu thụ trên thị trường. Đầu năm nay, câu chuyện lại tiếp tục xảy ra với ngành mía đường khi lượng đường tồn kho ngày càng tăng, trong khi mức tiêu thụ trong nước vẫn tăng, năng suất lại không tăng. Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, cho rằng đòi hỏi sự công khai số liệu tái xuất đường là điều không thể. “Đây là số liệu được quản lý bởi Bộ Công thương, họ đã đóng dấu “mật” nên không thể yêu cầu điều gì khác hơn”, ông Doanh cho biết.
Thông tin từ Hiệp hội Mía đường cho biết, có khoảng 40.000 tấn đường tạm nhập nhưng chưa được các doanh nghiệp (DN) tái xuất, lý do được đưa ra là do giá đường tái xuất sang nước thứ 3 đang thấp. Tuy nhiên, theo một thành viên hiệp hội, lý do này không thuyết phục lắm do giá đường tại thị trường hiện khá cao. Một DN sản xuất và kinh doanh đường phía bắc chia sẻ, tình hình xuất khẩu đường theo đường tiểu ngạch từ VN sang Trung Quốc ngày càng giảm mạnh từ khi chúng ta mở cửa cho hoạt động tạm nhập tái xuất đường tăng. Đại diện DN này gay gắt khi cho rằng, mở cửa cho hoạt động tạm nhập tái xuất nhưng không quản lý đầu tái xuất thì chỉ làm hại sản xuất trong nước.
Mới đây, Cục Hải quan Hà Nội có công văn gửi đến đại sứ quán các nước về việc có hàng trăm xe tạm nhập được miễn thuế của các cơ quan này đã quá hạn tái xuất, vẫn chưa thực hiện việc chuyển nhượng, tiêu hủy hay tái xuất theo quy định của quản lý xe ngoại giao. Cụ thể, Đại sứ quán Campuchia tạm nhập 178 ô tô miễn thuế, còn tồn 155 chiếc quá hạn chưa thực hiện các nghĩa vụ trên. Đại sứ quán Indonesia còn tồn 22 ô tô và 9 xe máy quá hạn...
Theo quy định, hàng hóa thuộc diện tạm nhập, tái xuất được lưu hành tại VN không quá 60 ngày (có gia hạn thêm 30 ngày) và phải được giám sát của cơ quan hải quan. Thực tế, đã có không ít trường hợp DN “quên” tái xuất hoặc sau khi tạm nhập, đưa hàng về tiêu thụ, đóng cửa công ty luôn.
Trách nhiệm hải quan và quản lý thị trường
Với trường hợp xe hơi tạm nhập quá hạn tái xuất, theo chuyên gia xuất nhập khẩu Nguyễn Lý Trường An, cơ quan ngoại giao và hải quan phải phối hợp để quản lý và thậm chí phạt những chiếc xe đang quá hạn được phép tạm nhập chưa chuyển đổi như vậy.
Thực tế, với hàng thực phẩm là nguyên vật liệu để sản xuất, thường hải quan siết rất chặt trong vấn đề tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, với các mặt hàng như đường, thịt… khả năng để “lọt” vào nội địa sẽ rất cao. “Thịt đông lạnh tạm nhập, không chịu tái xuất và DN tiêu thụ rồi đóng cửa văn phòng, phải truy trách nhiệm quản lý hải quan và thị trường”, ông An lý giải.
Cũng theo chuyên gia thương mại, khi hàng đã được hải quan cho phép DN đưa về giữ ở kho chờ tái xuất, cán bộ hải quan vẫn phải xuống kho kiểm tra đột xuất. “Theo tôi được biết, nguồn lực tại cơ quan hải quan không đủ để thực hiện việc này, nên tình trạng kiểm tra đột xuất của hải quan với hàng tạm nhập tái xuất rất khó xảy ra. Như vậy, cơ quan còn lại là quản lý thị trường. Nếu phát hiện hàng chờ tái xuất đã được tẩu tán ra thị trường, quản lý thị trường sẽ làm gì? Các số liệu này ít thấy nhưng thực tế không thấy báo cáo này”, ông An nói.
Bình luận (0)