Tầm nhìn công nghệ thông tin Đà Nẵng đón cơ hội đầu tư APEC

07/11/2017 08:00 GMT+7

TP.Đà Nẵng xác định CNTT là ngành mũi nhọn, khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế tương lai. Vậy hạ tầng CNTT cần đi trước với tầm nhìn thế nào để sẵn sàng đón các tập đoàn CNTT lớn trên thế giới?

Nhìn ra các “thung lũng silicon” trên thế giới, như Bangalore, trung tâm công nghệ của Ấn Độ, nơi đóng đô của 250 công ty công nghệ cao đa quốc gia, 1.500 công ty phần mềm, thu hút 40% tài năng CNTT Ấn Độ. Hay Dublin, công viên công nghệ của châu Âu đóng tại Ireland với hơn 1.000 công ty đa quốc gia, trong đó 50% là các công ty của Mỹ, thu hút hơn 100.000 lao động. Tại châu Á, công viên khoa học Hsinchun được ví như "thung lũng silicon" của Đài Loan.
Các “thung lũng silicon” này đều cùng điểm chung xác định tầm nhìn chiến lược, sẵn sàng cho làn sóng đầu tư dài hạn. Như Hsinchun xây dựng từ năm 1980, cách đây gần 40 năm nhưng quy mô đến 1.100 ha, một con số không tưởng về diện tích vào thời điểm đó. Nhưng sự phát triển và lấp đầy của các công ty bán dẫn, máy tính, viễn thông và công nghiệp quang điện tử đã cho thấy tầm nhìn xa trông rộng ở nơi này.
Trở lại câu chuyện Đà Nẵng, 8 năm trước, Công viên phần mềm Đà Nẵng đi vào hoạt động tòa nhà 21 tầng số 2 Quang Trung, diện tích sàn 20.000 m2. Khi đó, đây là cơ sở hạ tầng về CNTT quy mô, hiện đại nhất thành phố nhưng hiện nay đã lấp đầy và trở nên nhỏ bé trước nhu cầu phát triển vũ bão.
Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có 700 doanh nghiệp CNTT, 48.200 lao động, kim ngạch xuất khẩu phần mềm năm 2016 đạt 58 triệu USD. Đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng thu hút 525 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có 75 dự án CNTT.
Nhìn rộng ra, chiếc áo hạ tầng dành cho các doanh nghiệp KCN nói chung, doanh nghiệp CNTT nói riêng tại Đà Nẵng đang trở nên chật chội. Các KCN Hòa Khánh, Thanh Vinh, Liên Chiểu, Thọ Quang đã kín chỗ. FPT xây trụ sở trong KCN Đà Nẵng thì KCN này trong tương lai sẽ phải di dời ra ngoài thành phố. KCN Hòa Cầm đang mở rộng, thành phố cũng đang xúc tiến KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh.
Phương tiện, nhân lực được tăng cường để đẩy nhanh tiến độ
Phương tiện, nhân lực được tăng cường để đẩy nhanh tiến độ PHÚ THÀNH
Quy hoạch đồng bộ
Do đó, thành phố đã định hướng CNTT là ngành mũi nhọn thì cần thiết phải có một quần thể tập trung, nơi giải quyết tất cả yêu cầu về hạ tầng, tạo thuận lợi phát triển cộng đồng, hội tụ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nắm bắt xu hướng phát triển của thành phố cùng cơ hội thu hút đầu tư từ APEC, Trung Nam đã xây dựng Khu CNTT (Danang IT Park) với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Nơi đây sẽ trở thành cộng đồng phát triển CNTT tốt nhất VN theo mô hình “thung lũng silicon”. Tổ hợp khu công nghệ cao và Danang IT Park đang dần hình thành để thúc đẩy phát triển toàn khu vực Tây Bắc Đà Nẵng.
Danang IT Park có diện tích 341 ha ở huyện Hòa Vang, giai đoạn 1 là 131 ha (2013 - 2018), đầu tư 82 triệu USD; giai đoạn 2 là 210 ha (2018 - 2023), đầu tư 196 triệu USD. Sau 4 tháng thi công tổng lực, hiện dự án cơ bản hoàn thiện san nền và đẩy nhanh thi công hạ tầng, một tiến độ được xem là thần tốc. Công trình Danang IT Park đang vực dậy sự sôi động của vùng đất 3 mặt là đồi núi thấp của Hòa Vang. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, nơi đây sẽ hình thành cộng đồng công nghệ cùng quần thể dân cư phát triển các dịch vụ phụ trợ. Với tốc độ phát triển ngành CNTT Đà Nẵng hiện nay, Trung Nam cho rằng rất cần thiết triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án với diện tích 210 ha để tạo sự đồng bộ.
Có vậy, Danang IT Park mới trở thành môi trường sống, làm việc lý tưởng và giải quyết việc làm cho 25.000 lao động trong 10 năm tới, góp phần xây dựng nên đô thị vệ tinh ở vùng Tây Bắc Đà Nẵng với khoảng 100.000 cư dân sinh sống. Nhà đầu tư đã sẵn sàng chờ chấp thuận để triển khai giai đoạn 2 trong tháng 12.2017 để dự án hoàn thành trước kế hoạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.