Theo đó, tổ chức này dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, thấp hơn so với mức tăng trưởng 3,4% của năm 2022. Tuy nhiên, đây là sự cải thiện so với dự báo của IMF hồi tháng 10.2022, rằng kinh tế thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2023, theo AFP.
Động lực cho cải thiện này là nhờ sự mạnh mẽ đáng ngạc nhiên của sức tiêu dùng, thị trường lao động và đầu tư.
Theo dự báo mới, tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2023 là 1,4%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10 năm ngoái. Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng được dự báo tăng trưởng 0,7% trong năm nay. Các nền kinh tế như Đức và Ý dự kiến thoát khỏi suy thoái, trong khi Anh là nền kinh tế tiên tiến lớn duy nhất đi ngược xu hướng. Theo dự báo, GDP của Anh sẽ suy giảm 0,6% trong năm 2023. IMF nhận xét châu Âu đã thích nghi nhanh hơn dự kiến với giá năng lượng tăng cao và có sự tăng trưởng bền bỉ hơn kỳ vọng, bất chấp những cú sốc từ xung đột tại Ukraine.
Một yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu là việc Trung Quốc tái mở cửa sau khi bãi bỏ chính sách "zero-Covid". IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, cao hơn mức 4,4% được dự báo hồi tháng 10.2022. Trung Quốc cùng Ấn Độ (dự báo tăng trưởng 6,1%) sẽ là hai nền kinh tế đóng góp hơn 50% mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.
Mặc dù đưa ra mức đánh giá lạc quan hơn, IMF cảnh báo nhiều nguy cơ đối với thế giới. Cụ thể, chiến sự leo thang tại Ukraine có thể tác động đến giá lương thực và năng lượng, trong khi sự phục hồi của Trung Quốc có thể chững lại do các đợt bùng phát Covid-19 hoặc cuộc khủng hoảng ngành bất động sản. Ngoài ra, lạm phát kéo dài có thể khiến các ngân hàng trung ương siết chặt thêm chính sách cho vay và cản trở hoạt động doanh nghiệp.
Bình luận (0)