Chỉ tiếc là nếu được thực hiện sớm, từ những thập kỷ trước thì có lẽ thành phố sẽ không đối mặt với tình trạng quá tải trầm trọng về hạ tầng như hiện nay.
Đơn cử như quy định siết cao ốc trong 7 quận trung tâm. Nghe thì thấy quá chuẩn bởi trung tâm hiện hữu đã quá ngột ngạt. Kẹt xe, ngập nước kinh niên do tình trạng nén cao ốc vào nội đô diễn ra rầm rộ suốt mấy thập kỷ qua nên siết lại là cần thiết. Thế nhưng cũng phải nói thẳng, trung tâm TP.HCM hiện nay còn bao nhiêu đất có thể xây dựng cao ốc mà siết? Những con đường oằn mình gánh các tòa nhà; những chung cư “chui” cả vào hẻm hóc; những cao ốc mỏng dính, cao lêu nghêu mọc bất chấp... chính là hiện trạng trung tâm hiện nay. Hiện trạng này được phản ánh thường xuyên nhưng chỗ này, chỗ kia các tòa nhà vẫn cứ mọc lên, nếu còn đất.
Tương tự, việc quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, nhà ở mới, đường giao thông... cứ khi nào nhà nước thực hiện thì trước đó rất lâu đất đã kịp sốt, “chỗ ngon” đã kịp xí phần. Công tác giải phóng mặt bằng vì thế luôn trở thành gánh nặng cả về chi phí và di dời dẫn đến trễ tiến độ, đội vốn... trở thành vấn nạn kinh niên tại VN. Trong khi nhiều quốc gia bên cạnh thành công với việc khai thác quỹ đất nơi các công trình được quy hoạch, nhiều chuyên gia trong nước cũng hiến kế như vậy để giảm gánh nặng giải phóng mặt bằng nhưng bao năm nay, quy hoạch cứ trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông.
Chúng ta có quy hoạch không? Có. Không thiếu quy hoạch nào từ giao thông, đô thị, hạ tầng, khu lõi khu ven, thoát nước, cấp nước...; chỉ tiếc là quy hoạch nhiều quá nên nó manh mún, thỉnh thoảng lại chồng lấn, đè nén lên nhau. Chưa kể, quy hoạch rồi bỏ đó, hoặc làm không tới nơi, tới chốn; rồi tầm nhìn này “đá” tầm nhìn kia nên quy hoạch bị phá vỡ là chuyện thường thấy.
Hệ quả là chúng ta luôn rơi vào một mớ bòng bong, đi lối nào cũng thấy tắc. Ai cũng thấy siết cao ốc ở trung tâm là đúng vì hạ tầng không thể kham nổi nữa. Thế nhưng về nguyên lý chỉ ở trung tâm, đất chật người đông thì mới phải phát triển cao ốc, cao tầng.
Các thành phố lớn trong khu vực cũng như trên thế giới cũng phải vậy thôi, lấy đâu đất mà mỗi người một nhà. Đó chính là tầm quan trọng của quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch. Chỗ này được xây, chỗ này phải bảo tồn, chỗ này có thể mở ra, chỗ này cần siết lại... Nhưng có quy hoạch tốt rồi vẫn chưa đủ mà việc triển khai và giám sát thực hiện sau đó sẽ quyết định thành công của một đồ án quy hoạch. Hạ tầng quá tải trầm trọng của các thành phố lớn trên cả nước hiện nay chính là hệ quả của việc phá vỡ quy hoạch.
Quan trọng là quy hoạch luôn phải đi trước một bước chứ đừng chỉ đến khi thấy không thể chịu nổi nữa, mới bắt đầu siết lại thì có khi đã quá muộn rồi.
Bình luận (0)