Tầm quan trọng chiến lược của hiệp định giữa Việt Nam - EU

14/12/2022 09:05 GMT+7

Thanh Niên có cuộc phỏng vấn với nghị sĩ Nghị viện châu Âu Geert Bourgeois (báo cáo viên Ủy ban Thương mại quốc tế về Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA giữa EU và Việt Nam), trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN - EU ngày 14.12.

NVCC

Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Geert Bourgeois

Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ ASEAN - EU hiện nay?

EU và ASEAN là đối tác chiến lược của nhau từ năm 2020 với mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và năng động. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU bên ngoài châu Âu. Chiều ngược lại EU cũng là đối tác lớn thứ ba và nhà đầu tư lớn thứ hai của ASEAN. Đến năm 2050, ASEAN dự kiến sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, đồng thời là thị trường quan trọng và năng động với khoảng 660 triệu dân đầy triển vọng cho các nhà xuất khẩu và đầu tư của châu Âu.

Hơn nữa, một thực tế địa chính trị mới sẽ đưa mối quan hệ của ASEAN và EU lên một chiều hướng hoàn toàn mới. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, EU và ASEAN sẽ cần phải “ở trên cùng một trang” đại diện cho thương mại cởi mở và dựa trên các quy tắc của chủ nghĩa đa phương với WTO là cốt lõi.

Theo ông, hội nghị cấp cao ASEAN - EU lần này có ý nghĩa như thế nào và có thể kỳ vọng điều gì?

Theo tôi, hội nghị cấp cao lần này rất quan trọng, vốn là hội nghị đầu tiên với cấp độ chính trị cao nhất được tổ chức. Tôi thấy có 2 kết quả khả dĩ. Đầu tiên là hội nghị sẽ khởi động một số quan hệ đối tác hoặc thỏa thuận ngành ở cấp độ song phương trong các lĩnh vực như: kỹ thuật số, chuyển đổi xanh và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, tôi mong đợi một tín hiệu chính trị hoặc cam kết hướng tới việc ký kết, khởi động một số thỏa thuận song phương. Các lộ trình rõ ràng sẽ được thiết lập để hướng tới mục tiêu này, chúng tôi đã đánh giá cơ hội ký kết các thỏa thuận thương mại mới trong một thời gian dài.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam?

Với việc phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam vào năm 2020, cả hai bên đã cho thấy dấu hiệu tích cực với khu vực ASEAN và phần còn lại của thế giới trong thời điểm căng thẳng thương mại gia tăng. Hiệp định không chỉ bao gồm các chương về các ngành kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho cả EU và Việt Nam về xuất khẩu và đầu tư, mà còn có một phần mang tính hiện đại về sự phát triển bền vững, cho thấy các hiệp định này có thể là đòn bẩy để cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, lẫn vấn đề môi trường.

Điều quan trọng nữa phải nhấn mạnh là tầm quan trọng chiến lược mang tính lâu dài của hiệp định này. Việt Nam là nền kinh tế đầy sôi động với gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, có lực lượng lao động trẻ và năng động.

Tôi cho rằng thỏa thuận thương mại đầu tư giữa EU và Việt Nam có thể xem là một hình mẫu. Thứ nhất, đây là thỏa thuận thương mại tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển. Thứ hai, nó là mô hình về các cam kết về sự tham gia và là ví dụ cho thấy sự thay đổi trên thực tế với một thỏa thuận mạnh mẽ. Ngoài ra, đây cũng là một mô hình về mặt chính trị. Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn nghe thấy những lời ra tiếng vào rằng thỏa thuận khu vực giữa EU và ASEAN là không thể vì sự đa dạng về hệ thống chính trị ở đó. Nhưng với Việt Nam, rõ ràng không gì là không thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.