Tâm sự của nữ giảng viên mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối

20/11/2015 07:10 GMT+7

(TNO) Nữ giảng viên Lê Thanh Hà (35 tuổi, Hà Nội) vừa chia sẻ bộ ảnh thể hiện quá trình vượt qua bệnh tật, sống lạc quan của chính mình sau khi cô mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối.

(TNO) Nữ giảng viên Lê Thanh Hà (35 tuổi, Hà Nội) vừa chia sẻ bộ ảnh thể hiện quá trình vượt qua bệnh tật, sống lạc quan của chính mình sau khi cô mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối.

Cậu bé Duy Anh được sinh ra sau hơn 3 năm kể từ ngày người mẹ điều trị ung thư vú - Ảnh: NVCCCậu bé Duy Anh được sinh ra sau hơn 3 năm kể từ ngày người mẹ điều trị ung thư vú - Ảnh: NVCC
Cô Lê Thanh Hà hiện đang công tác tại Trung tâm nghiệp vụ báo chí truyền thông - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Cuối năm 2003, cô Hà choáng váng khi nhận chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Năm 2004, cô bắt đầu tích cực điều trị.
Điều ngạc nhiêu là sau khi điều trị được vài năm, tức là trong cơ thể cô Hà vẫn có hóa chất cùng những tác động nhất định, cô vẫn quyết định giữ lại giọt máu đang mang trong mình.
Cô tâm sự: “Bệnh nhân ung thư vú được khuyên không nên có con, vì việc sinh con sẽ thúc đẩy bệnh tái phát. Trong trường hợp đã điều trị hóa chất và xạ trị, người ta không dám chắc là tồn dư ảnh hưởng của thuốc không làm hại đến thai nhi. Nghĩa là tồn tại mối nguy hiểm cho cả mẹ và con…
Nhưng cuộc sống luôn không theo ý mình sắp đặt. Khi có thai, mọi thứ thật đặc biệt! Nghĩ đến việc có một đứa trẻ - người sẽ trở nên quan trọng nhất, gần gũi nhất với mình ra đời - mình lại tự hỏi: Tại sao lại không dám thử chứ ? Bỏ đi một đứa trẻ là một điều độc ác, cho dù có lý do nào chính đáng đi chăng nữa. Mình không đành lòng! Vậy thì, hãy để cuộc sống dẫn dắt ta đi, Bởi phía trước không có ai đoán định được.
Con trai tôi được sinh ra vào ngày 24.5.2007, sinh thường nặng 3,5kg, sau hơn 3 năm kể từ ngày tôi nhận chẩn đoán mắc ung thư vú. Khi nhìn thấy bạn ấy, xinh xắn và tròn xoe, khoẻ mạnh - cảm giác thật không thể tả nổi. Mình thấy cuộc sống giờ thật có ý nghĩa. Bởi mình cần cho một ai đấy”.
Cô Hà trải lòng: “Con mình đến thời điểm này là cháu 8 tuổi, mọi thứ cũng tốt, cũng ổn định. Thông minh, hiếu động, lém lỉnh và không có bất kỳ dấu hiệu gì đáng ngại”.
“Mình lúc nào cũng mong cạnh con đến khi nó lớn để có chuyện gì xảy ra thì chí ít mình cũng ở bên cạnh nó và truyền cho nó một suy nghĩ tích cực. Và chí ít mẹ còn ở bên cạnh còn thì mẹ cũng là chỗ dựa cho con trong mọi hoàn cảnh. Vì thật ra mình nghĩ là chỉ có mẹ mới là người gần gũi, kiên nhẫn vô bờ đối với con thôi”, cô Hà chia sẻ.
Và đây là hình ảnh giảng viên Lê Thanh Hà trong năm điều trị đầu tiên, trải qua 2 đợt mổ, 6 đợt chuyền hóa chất và 32 đợt xạ trị trong khoảng thời gian mang thai.
Cô nhớ lại: “Hóa chất làm cho mình rụng tóc, rụng lông mày, lông mi và không ăn được. Có những lúc cảm thấy không chịu nổi, một phần vì hóa chất và một phần vì điều kiện chữa trị ở viện đôi khi khó khăn, do có quá đông bệnh nhân.
Mình nghĩ mình không thể để bản thân rơi vào tuyệt vọng được, chí ít khi còn sống thì phải có cảm giác thật sự là sống, tận hưởng và có niềm vui chứ? Mình ghét khóc lóc và buồn bã”.

Chia sẻ quan niệm về hạnh phúc, cô Hà bộc bạch: “Mình đã từng ước mình sẽ sống 30 năm, 40 hay 50 năm hay nhiều hơn nữa. Nhưng có lẽ điều đó chẳng quá quan trọng. Bởi có người sống đến hết cuộc đời vẫn buồn đau và tiếc nuối vì đã không làm và không dám làm điều mình muốn.
Mình vẫn luôn tự hỏi: Điều gì làm mình hạnh phúc ? Và tự trả lời: Đó là sống có ích với những người thân yêu; mình giúp con trai trưởng thành khoẻ mạnh, trở thành người có kiến thức, biết khám phá và yêu cuộc sống. Từ khi ốm, mình đã học đươc cách cởi mở tấm lòng với mọi người, sống tốt đẹp và luôn biết yêu thương. Mình nhận ra đây là một mặt tích cực của bệnh tật và nhờ vậy, mình thấy thanh thản và dễ chịu hơn”. 
”Từ khi ốm, mình đã học đươc cách cởi mở tấm lòng với mọi người, sống tốt đẹp và luôn biết yêu thương”
Gia đình là điểm tựa vững chắc giúp cô Hà kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư. Cô khẳng định: “Mình biết ơn người chồng của mình vô cùng! Anh ấy dạy cho mình cách đối mặt với những lo lắng và sợ hãi. Anh ấy mạnh mẽ, là một chỗ dựa cực kỳ vững chãi và làm mình thấy vô cùng yên tâm”.
Hiện nay, cô Lê Thanh Hà vẫn thường xuyên chịu đựng những cơn đau thấu xương và những đợt hóa trị, xạ trị. Bệnh trạng của cô đang ở giai đoạn 4, đã di căn xương và gan.
Dẫu vậy, cô vẫn luôn suy nghĩ lạc quan: “Đến thời điểm này thì mình cũng đã làm mọi thứ tốt nhất trong khả năng mình có thể cho con, cho gia đình và cho cuộc sống của mình. Để cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mình sẽ cảm giác thanh thản và nhẹ nhõm”.
Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) là đơn vị hỗ trợ cô Lê Thanh Hà phát hành bộ ảnh trên. Chị Khổng Thị Thúy Mỹ - Điều phối viên mạng lưới này - chia sẻ: “Bộ ảnh là câu chuyện về bệnh nhân mắc ung thư vú nhưng vẫn tràn đầy lạc quan, tình yêu và niềm tin vào cuộc đời. Bởi vì, họ học được cách yêu thương, trân quý và tin vào những điều tốt đẹp.
Điều quan trọng không phải là bạn sẽ sống bao lâu, mà là bạn sẽ sống như thế nào, bạn sẽ bày tỏ thái độ và chọn cách cư xử ra sao với những điều không may xảy đến trong cuộc đời mình. Đối mặt và học cách vượt qua hay chọn bỏ cuộc thì tất cả sự lựa chọn này đều là của bạn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.