Tâm sự với tân sinh viên ngành y

18/10/2015 09:13 GMT+7

(TNTS) Trong một lần giảng dạy ở một lớp năm thứ tư bậc đại học, tôi để ý đến một em sinh viên người dân tộc.

(TNTS) Trong một lần giảng dạy ở một lớp năm thứ tư bậc đại học, tôi để ý đến một em sinh viên người dân tộc. 

Em được địa phương cho đi học theo diện cử tuyển, nghĩa là sau này sẽ quay về phục vụ địa phương. Thông thường, em sẽ nhận được nhiều ưu tiên, chiếu cố, nhưng tôi đã không làm thế với em. Lý do câu chuyện xin được giải thích sau đây...
Tâm sự với tân sinh viên ngành yMinh họa: DAD
Hồi đó, tôi dạy hai tín chỉ, đó là hai tín chỉ đúp, mỗi môn 45 tiết, trong đó quan trọng nhất là khâu thực hành. Phải thực hành thì mới có kỹ năng, điểm thực hành trong lớp cũng quan trọng ngang tầm điểm thi tốt nghiệp.
Tôi rất quý em sinh viên ở chỗ tính em hiền lành, ít nói. Tuy nhiên, tôi cũng rất lo cho em ở chỗ bài tập trong lớp em chưa bao giờ đạt điểm 6 đã vậy em còn vắng một vài buổi lên lớp. Mà cái khoa chúng tôi dạy là để có những nhà báo thực thụ, những trưởng phó phòng văn hóa thông tin, những biên tập viên, những cán bộ lãnh đạo tuyên giáo quận huyện... cho địa phương sau này. Tôi hẹn gặp em một giờ riêng ngoài lớp, nói chuyện thân mật. Đại để, tôi nói muốn trở thành một cán bộ tốt cho địa phương, em phải có kiến thức, học hành phải nghiêm túc. Hãy quý tấm lòng và niềm tin của các vị lãnh đạo địa phương cho em đi học cử tuyển mà tập trung cho việc học tập. Tôi sẽ đánh giá em công bằng như ứng xử với bao nhiêu sinh viên khác, hoàn toàn không chiếu cố gì, mong em thông cảm.
Có lẽ hiểu ra điều tôi nói, em học tốt hẳn lên. Đầu tiên là em không vắng học. Điểm thực hành trong lớp, em đạt yêu cầu; điểm thi tốt nghiệp, em đạt yêu cầu. Hỏi ra ở những môn khác, em đều có điểm đạt yêu cầu dù không cao lắm. Em tốt nghiệp cử nhân từ một trường danh giá nhất của đất nước này mà không “nợ” một môn nào cả. Tôi tin rằng 5 năm qua sau khi ra trường, em đã trở thành một cán bộ có kiến thức, đang tận tụy làm việc để phục vụ cho bà con dân tộc quê nhà mình.
Tôi không máy móc để nói rằng văn bằng quyết định trình độ văn hóa và phẩm chất đạo đức một con người. Tôi tin rằng một người học hành tử tế, đi lên bằng chính năng lực của mình mà không cần xin điểm hay mua điểm, đắc thủ một số kỹ năng nghề nghiệp nhất định thì con người ấy có thể trở thành một cán bộ có phẩm chất, có năng lực sau này, bởi sau cái học trong nhà trường, còn có cái học do nghề dạy nghề đem lại nữa.
Riêng đối với khoản điểm - một thước đo cần thiết nhưng lại không đạt được độ chính xác lý tưởng, thì tôi xin bàn lại. Tôi vẫn nghĩ rằng cần chấm dứt chế độ điểm ưu tiên trong tuyển sinh cũng như trong xét tốt nghiệp đại học, nhất là ở ngành y. Đất nước đã phát triển hơn 40 năm; ngành giáo dục - đào tạo đã khẳng định hoạt động bài bản 40 năm; học sinh sinh viên được học hành như nhau; chuyện chăm lo về mặt chính sách đã được làm rất tốt. Những điều đó là nền tảng để cho phép chúng ta nghĩ đến một cách đánh giá công bằng theo lối thông thường nhất của các nền giáo dục tiên tiến. Duy trì chế độ điểm ưu tiên trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, đặc biệt là trong các trường y khoa chừng mực nào đó là không công bằng so với các em học sinh sinh viên bình thường khác và vô tình tạo ra những con người chưa đủ trình độ, năng lực có thể trở thành sức ì trong những cơ quan y tế và bệnh viện sau này.
Tôi cũng không đồng tình với quan điểm cho “thiếu nợ” một số môn học trên đại học. Một sinh viên được cử tuyển hay thi đậu vào lớp chính quy, một cán bộ đi học văn bằng 2, một cán bộ học tại chức là phải học và thi đạt yêu cầu các môn học mới được công nhận tốt nghiệp. Việc cho “thiếu nợ” một vài môn nhưng vẫn cho người ấy ra trường là không công bằng đối với những người học hành và thi cử tử tế. Ở chừng mực nào đó, sự “thiếu nợ” ấy rất nguy hiểm, cứ y như chuối non giú ép, chưa đủ trình độ, năng lực mà vẫn được bổ nhiệm vào những chức vị quan trọng là có hại cho guồng máy nhà nước. Báo chí thông tin có những người đi học y khoa mà “nợ” một vài môn, kéo dài cả mười năm chưa trả được, thật đáng ngại.
Muốn trở thành bác sĩ để phục vụ nhân dân và có thể có một đời sống tốt hơn là ước mơ chính đáng của hàng vạn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Thế nhưng để trở thành sinh viên y khoa, em học sinh phổ thông bắt buộc phải giỏi ngoại ngữ. Ngoại ngữ ở đây có nghĩa là tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng La tinh. Giáo trình y khoa tiên tiến nhất của thế giới đều viết bằng ngoại ngữ, dược điển cũng viết bằng ngoại ngữ, các tên bệnh được viết có ghi chú thêm tiếng La tinh. Em nào muốn làm bác sĩ thì bản thân phải giỏi ngoại ngữ, đừng có đặt nặng vào thân thế gia đình mà không học ngoại ngữ, chờ được cử tuyển và hy vọng điểm ưu tiên. Và nên nhớ một điều tiên quyết là bác sĩ là người chuyên tâm chữa bệnh cứu người chứ không phải làm bác sĩ là để mở phòng mạch khám riêng kiếm mỗi ngày vài ba triệu đồng bạc. Nếu em không giỏi ngoại ngữ và hiểu chưa đúng thiên chức người bác sĩ thì tôi thành thật khuyên em đừng nên thi vào trường y.
Trong khái niệm bác sĩ thì chữ “bác” có nghĩa là sâu và rộng. Kiến thức và kỹ năng thực hành y học của người bác sĩ càng sâu rộng càng tốt cho bệnh nhân. Cho nên, xã hội không thể chấp nhận một bác sĩ ghi chẩn đoán tên bệnh là “Cảm, ho, sổ mũi”. Cảm, ho, sổ mũi không phải là bệnh mà là biểu hiện của một hay vài thứ bệnh khác. Xã hội cũng không chấp nhận một viên bác sĩ ghi tên biệt dược theo kiểu Pê-ni-xi-lin, Xtơ-rép-tô-my-xin. Xã hội cũng không thể chấp nhận một bác sĩ khi ra toa mà không hỏi người bệnh các câu câu phổ thông như “Ông (bà) có bao giờ đau bao tử không?”; “Chị đang có thai hay không?”. Bất cứ cho thuốc chữa trị bệnh gì, người bác sĩ cũng phải hỏi các câu đó bởi với người có tiền căn bao tử thì phải cho thuốc khác, với phụ nữ đang mang thai thì phải cho thuốc khác.
Trong 40 năm qua, y học VN đã có những tiến bộ thật tuyệt vời. Các ca mổ tách đôi những cặp song sinh, cấy ghép phủ tạng, thụ thai trong ống nghiệm, cấp cứu những trường hợp bị thương chí mạng... rất xứng đáng được ghi vào y văn thế giới. Tuyệt vời hơn nữa là các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đã thành công với những ca mổ nội tạng, ca khó, trả lại được đời sống cho bệnh nhân. Thế nhưng, vẫn còn đó những việc làm không hay như mổ lộn vết thương, chẩn đoán sai bệnh lý, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm can thiệp nhanh khiến người bệnh tử vong làm phát sinh kiện tụng.
Một cử nhân tốt nghiệp từ một ngành khoa học xã hội nhân văn ra - thí dụ như cử nhân báo chí truyền thông chẳng hạn, nếu tay nghề yếu thì viết không hay, bình luận về âm nhạc chưa sâu, làm tuyên truyền cổ động chưa tốt, không đưa được hoạt động văn hóa nghệ thuật của địa phương lên... Những cái non yếu đó suy cho cùng cũng không làm chết ai. Thế nhưng một bác sĩ ra trường mà chẩn đoán sai bệnh; đau ruột thừa mà chẩn ra đau trực tràng, viêm đường hô hấp trên mà chẩn ra viêm phổi mạn tính, bị viêm bao tử nặng mà cứ cho uống aspirin... thì có thể làm chết bệnh nhân như không. Sinh mạng con người nằm trong tay viên bác sĩ chứ không nằm trong tay anh cử nhân báo chí truyền thông.
Mười sáu năm trước, tôi bị thoát vị đĩa đệm cột sống, đi đứng khó khăn, chân trái muốn teo cơ, chạy xe gắn máy không được. Tôi vào một bệnh viện điều trị suốt 45 ngày, làm cả thủ thuật chích dectancyl vào cột sống nhưng đi đứng vẫn chưa ổn. Các bác sĩ bảo tôi mổ nhưng tôi không đồng ý, xin về. Một người bạn thân đưa tôi ra ông thầy lang chuyên trị trật đả ở ga Mương Mán (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Ông lang xem phim, bảo tôi cởi đồ nằm sấp xuống và “sắp xếp” lại cột sống của tôi. Ông dần cho tôi 60 phút, cảm giác đau tưởng có thể la làng la xóm. Khi xong việc, ông bảo tôi đứng lên ngồi xuống 20 lần cho ông xem. Trời ạ, tôi làm 20 lần “thụt dầu” như vậy trót lọt, điều mà trước đó một giờ tôi không thể làm được dù chỉ một lần. Mười sáu năm nay, tướng đi của tôi khá ngay ngắn, ra vẻ một vị lão gia tươi tỉnh (!). Tôi không so sánh nhưng thật tâm là tôi kính phục và biết ơn ông lang ấy!...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.