Tâm thức cội nguồn

26/02/2012 03:52 GMT+7

“Cóc chết ba năm còn quay đầu về núi” - câu ngạn ngữ đầy ẩn dụ. Bởi cóc có một bản năng “tìm về mái nhà xưa” rất đáng nể. Hãy bắt một “cậu” cóc thường tá túc nơi góc hiên nhà, lấy sơn trắng bôi lên đầu làm dấu rồi di dời cậu ta ra ngoài gò mả thật xa. Đảm bảo vài ba ngày sau lại thấy cậu lim dim cặp mắt ngồi lù lù nơi chỗ cũ.

“Cóc chết ba năm còn quay đầu về núi” - câu ngạn ngữ đầy ẩn dụ. Bởi cóc có một bản năng “tìm về mái nhà xưa” rất đáng nể. Hãy bắt một “cậu” cóc thường tá túc nơi góc hiên nhà, lấy sơn trắng bôi lên đầu làm dấu rồi di dời cậu ta ra ngoài gò mả thật xa. Đảm bảo vài ba ngày sau lại thấy cậu lim dim cặp mắt ngồi lù lù nơi chỗ cũ.

Không chỉ cóc mà nhiều loài động vật khác cũng có những bí ẩn bản năng tương tự. Con cá hồi sinh ra nơi nguồn sông, lớn lên bằng ngón tay đã xuôi dòng ra biển. Nhưng rồi một ngày nó lại vượt hàng ngàn dặm biển khơi, hàng trăm ghềnh thác để trở về dòng suối “cố hương”. Các nhà khoa học cho rằng chính cái “mùi” đặc hữu của mỗi dòng sông được ghi trong não bộ đã thôi thúc, định hướng cho loài cá hồi tìm lại được quê hương. Vậy quê hương của mỗi người chúng ta có “mùi” gì không?

Có đấy! Đó là “mùi” tổng hợp từ tất cả các giác quan nhưng cũng có cả cái mùi cụ thể từ khứu giác. Và không cứ phải là loại mùi thơm tho. Có người đi xa nhớ mùi… phân bò tươi đang bốc hơi giữa sân trong nắng sớm. Mùi rạ ẩm. Mùi ao bèo. Mùi tóc khét nắng

của con nhỏ bạn. Và còn bao nhiêu thứ mùi vị, hình ảnh, âm thanh khác nữa ở nơi thôn dã đã từng “upload” lên hệ giao cảm mỗi con người chúng ta rồi lặn vào trong não bộ. Chúng không chỉ là ký ức mà còn tồn tại như những di truyền văn hóa, nhiều khi biểu hiện trong hành vi dưới dạng những thói quen cố hữu. Có anh bạn nhà văn quê Quảng Nam sống ở Sài Gòn gần 40 năm vẫn thích món cá hố khô kho nước của mẹ anh ngày xưa ở quê nhà.

Trong nhà bếp sang trọng của anh lúc nào cũng lủng lẳng mấy chùm cá khô. Mỗi lần nhớ mẹ, nhớ quê anh lại rứt vài con, cắt khúc đem chiên qua, kho nước rồi chan với cơm ăn. Anh bảo ăn như thế ngon đến… ứa nước mắt. Tại TP.New Orlean, bang Lousiana của Mỹ, tôi đã mục kích  một cái “chợ chồm hổm” của người Việt y chang như ở các làng quê xứ ta nhưng lại “chẳng giống ai” đối với văn hóa xứ người.

Chợ mỗi tuần họp một lần vào sáng thứ bảy, từ 5 đến 9 giờ. Người mua kẻ bán ở đây phần lớn là người cao tuổi và những thứ đem ra trao đổi cũng hầu hết là cây nhà lá vườn. Và dường như cái chợ này tồn tại không phải với mục đích bán mua mà chủ yếu là để người Việt xa xứ giải tỏa những ray rứt của nỗi nhớ nhà, những bâng khuâng hoài niệm. Cũng vì nỗi ray rứt đó mà đã có hàng triệu lượt Việt kiều về nước mỗi năm. Họ bươn bả quay về như bị thôi thúc từ trong thẳm sâu tiếng gọi thiêng liêng của khói hương nguồn cội.

Những biểu hiện mang dấu ấn cội nguồn là một đặc điểm tâm lý mang tính cộng đồng. Có lẽ người Á Đông bị chi phối mạnh mẽ hơn người phương Tây, những cư dân sinh ra từ nơi thôn dã “nặng nợ” với nơi chôn nhau cắt rốn hơn người kẻ chợ. Phải chăng là do sự khác biệt về thiên nhiên, về không gian sống, về mức độ gắn bó trong cộng đồng? Phải chăng có sự chênh lệch về điều kiện mưu sinh đã phân hóa thành những mức độ ý thức bổn phận khác nhau? Hay là do độ đậm nhạt của tình cảm con người? Có thể tất cả những điều đó đã cộng hưởng để tạo nên một thứ “gien” di truyền qua nhiều thế hệ và nó biểu hiện thường trực trong một miền tâm thức: tâm thức cội nguồn.

Tâm thức cội nguồn là một quán tính có điều kiện trong thành phần của phẩm hạnh. Nó có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng những giá trị văn hóa của một vùng miền dân cư, rộng ra là bản sắc của cả một dân tộc.

Phan Văn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.